Thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Việt Nam đã liên tục tăng kể từ mức 300 triệu USD vào năm 1992, dự kiến đạt 31,3 tỷ USD trong năm 2022, gần như chắc chắn sẽ vượt qua Mỹ (25,4 tỷ USD) để vươn lên vị trí thứ nhất.
Lắp ráp điện thoại thông minh tại Công ty Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên - Khu công nghiêp Yên Bình, Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN
Tính tới tháng 11/2022, quy mô thương mại Hàn - Việt đạt 81,1 tỷ USD. Dự kiến, Việt Nam sẽ vượt qua Nhật Bản (78,4 tỷ USD) để trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc, sau Trung Quốc và Mỹ.
Năm 1992, quy mô thương mại Hàn - Việt đạt 500 triệu USD, đến năm 2021 đã tăng gấp 161 lần lên 80,7 tỷ USD. Trong cùng khoảng thời gian này, xuất khẩu và nhập khẩu của Hàn Quốc tăng 8,4 lần và 7,5 lần, nhưng riêng xuất - nhập khẩu với Việt Nam đã tăng lần lượt 142 lần và 240 lần.
Kể từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, ba mặt hàng có tổng giá trị xuất khẩu lớn nhất là chip bán dẫn, màn hình phẳng và cảm biến, thiết bị vô tuyến viễn thông. Trong 3 năm, từ năm 2019 - 2021, xuất khẩu ba mặt hàng này đã có mức tăng lần lượt là 32%, 23,3% và 37,2%.
Hàn Quốc là quốc gia đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính đến năm 2021, Hàn Quốc đứng đầu với 9.203 dự án đầu tư, với tổng giá trị đầu tư là 78,5 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng từ 17 triệu USD năm 1992 lên 2,4 tỷ USD năm 2021.
Tập đoàn công nghệ Samsung là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Năm nay, tập đoàn này đầu tư thêm 2 tỷ USD, dự kiến nâng tổng vốn đầu tư lên thành 20 tỷ USD.
FKI chỉ ra rằng chính phủ hai nước gần đây đã nâng tầm quan hệ lên mức cao nhất là "Đối tác chiến lược toàn diện" nên Chính phủ Hàn Quốc cần tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam ở các lĩnh vực đa dạng để hai bên cùng phát triển. Giới doanh nghiệp đang đặt mục tiêu nâng quy mô thương mại song phương lên 150 tỷ USD vào năm 2030, gấp đôi so với hiện nay.
Theo TTXVN/Báo Tin tức