Hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo một năm nhìn lại

Năm 2022, hoạt động phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) được triển khai rộng rãi và có hiệu quả. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, y tế, bảo vệ môi trường và công nghiệp chế biến đã tạo ra một số sản phẩm chủ lực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong năm, Sở KH&CN đã làm tốt công tác tham mưu UBND tỉnh ban hành các nghị quyết về KH&CN, tập trung vào những vấn đề lớn, mang tính đột phá phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh giao Sở KH&CN 2 nhiệm vụ được đơn vị thực hiện đúng tiến độ. Cụ thể, nhiệm vụ theo dõi, đánh giá chỉ tiêu “Tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP của tỉnh năm 2022” được Sở phối hợp với Cục Thống kê tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện đạt kết quả bước đầu. Riêng nhiệm vụ tham mưu xây dựng Nghị quyết về “Chương trình ứng dụng và phát triển KH&CN, đẩy mạnh ĐMST đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã trình HĐND tỉnh thông qua.

Ngay từ đầu năm, Sở KH&CN đã xác lập 44 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện. Đến nay, các nhiệm vụ cơ bản tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng theo kế hoạch đề ra, trong đó nhiều nhiệm vụ mang tính đột phá, dài hạn, có cả những nhiệm vụ chiến lược. Điển hình như Sở tổ chức quản lý, theo dõi triển khai 32 nhiệm vụ KH&CN đã được phê duyệt; trong đó, 5 nhiệm vụ cấp quốc gia và 27 nhiệm vụ cấp tỉnh; tổ chức nghiệm thu 7 nhiệm vụ. Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai thực hiện bám sát với chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phù hợp với yêu cầu thực tế của các sở, ngành, địa phương.

 

Trung tâm thông tin ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ áp dụng phương pháp nuôi cấy mô trong sản xuất giống cây trồng. Ảnh: Văn Miên

Hoạt động chuyển giao công nghệ, ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu, khai thác tài sản trí tuệ có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, các sở, ngành cấp tỉnh chủ trì thực hiện, triển khai 4 nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng kết quả nghiên cứu, tiến bộ KH&CN; 35 doanh nghiệp tổ chức thực hiện nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ; áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp thông qua áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến; hoạt động phát triển thị trường công nghệ; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Sản xuất thử nghiệm và tiêu thụ 18.600 phôi nấm; 1.000 lít chế phẩm EM-T và trồng thử nghiệm dưa lưới trong nhà màng, với quy mô 2.000 m2. Phân tích được 745 mẫu (gồm 297 thực phẩm, 428 mẫu nước, 20 mẫu không khí); kiểm định, hiệu chuẩn và thử nghiệm 5.515 phương tiện đo và mẫu các loại. Triển khai ứng dụng các đề tài, dự án, mô hình: San phẳng ruộng điều khiển bằng laser; thâm canh cây mít theo hướng hữu cơ; trồng bí hạt đậu công nghệ cao; hỗ trợ vật tư thiết yếu thực hiện cải tạo đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo; hỗ trợ chứng nhận VietGAP trên một số cây ăn quả; hỗ trợ máy gieo hạt phục vụ công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tập huấn mô hình công nghệ cao; xây dựng mô hình nuôi thương phẩm ốc hương 3 giai đoạn trong ao; 1 doanh nghiệp đồ gỗ nội thất và 2 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất.

Nhóm hoạt động KH&CN do các địa phương triển khai cũng tạo được dấu ấn. Tiêu biểu là Tp. Phan Rang – Tháp Chàm đã tổ chức chuyển giao, nhân rộng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong lĩnh vực nông nghiệp, diện tích 11,35 ha, tại 9 phường: Đô Vinh, Bảo An, Phước Mỹ, Phủ Hà, Mỹ Bình, Mỹ Đông, Đạo Long, Văn Hải, Tấn Tài. Huyện Thuận Bắc phát triển và quảng bá 2 thương hiệu Heo đen và Gà Thuận Bắc; triển khai mô hình sản xuất, chế biến và bảo quản thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Bắc Sơn với quy mô 9 ha trồng cỏ và 60 tấn thức ăn chế biến; nhân rộng mô hình trồng lúa “1 phải, 5 giảm” với quy mô 8 ha trong vụ hè - thu. Huyện Thuận Nam cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu, tem nhãn chứng nhận “Nước mắm Cà Ná” cho Cơ sở nước mắm Thương Thảo (thôn Lạc Sơn 3, xã Cà Ná) và tổ chức tập huấn Chương trình OCOP năm 2022. Huyện Ninh Phước triển khai nhân rộng mô hình cánh đồng lớn đối với lúa, bắp, măng tây; mô hình tưới nước tiết kiệm; mô hình táo bao lưới chống ruồi vàng. Huyện Ninh Sơn xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm đặc thù và sản phẩm OCOP. Riêng nhóm hoạt động KH&CN do doanh nghiệp triển khai có 5 dự án đăng ký đầu tư tại tỉnh, trong đó Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam nhận chuyển giao công nghệ giống lúa thuần Thiên Hương 6 từ Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi và chuyển giao giống lúa thuần ML214 và ML202 từ Trung tâm Giống cây trồng Bình Thuận.

Năm 2023, hoạt động KH&CN và ĐMST của tỉnh tập trung vào ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng công nghệ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, ngành công nghiệp chủ đạo của tỉnh; ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển du lịch, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn; chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thương mại. Phát triển tài sản trí tuệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ các sản phẩm hàng hóa, thương hiệu; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST và doanh nghiệp KH&CN.

Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở KH&CN, để thực hiện nhiệm vụ phát triển KH&CN và ĐMST trong giai đoạn mới, Sở đề nghị các ngành, địa phương thường xuyên quan tâm triển khai thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về KH&CN, ĐMST, nhất là việc khai thác tài sản trí tuệ, ứng dụng công nghệ, mô hình kinh doanh mới để tăng năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm. Theo dõi, thống kê đầy đủ tình hình, kết quả hoạt động KH&CN và ĐMST thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành, địa bàn. Đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN và phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng trong quá trình triển khai các nhiệm vụ. Đề nghị Hội Doanh nhân trẻ khuyến khích, thúc đẩy các hội viên tăng cường đẩy mạnh ứng dụng KH&CN, nhất là việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa.