Theo đó, thời gian để chuẩn bị nguồn hàng và tổ chức bán các mặt hàng thiết yếu bình ổn thị trường, giá cả trên địa bàn tỉnh tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là 3 tháng, từ ngày 20/11 đến hết ngày 20/2/2023. Lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ yêu cầu tiêu dùng trong dịp Tết gồm: 12.000 tấn gạo, nếp; 900 tấn thịt heo, bò; 1.000 tấn thịt gà, vịt; 10 triệu quả trứng gà, vịt; 350 tấn thực phẩm chế biến; 610.000 lít dầu ăn; 200 tấn đường và 10.000 tấn rau, củ, quả tươi. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn tỉnh khoảng 16 tỷ đồng.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị WinMart. Ảnh: Hồng Nguyệt
Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Kế hoạch nhằm hỗ trợ cơ quan quản lý chủ động kiểm soát, điều tiết một phần giá hàng hóa thiết yếu trên cơ sở tham gia của các doanh nghiệp trong việc tạo nguồn hàng dự trữ, phân phối các mặt hàng thiết yếu trên thị trường với giá ổn định, đồng thời nắm bắt kịp thời diễn biến cung cầu và giá cả thị trường, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, chương trình bình ổn giá trong dịp tết Nguyên đán nhằm giúp người dân có cơ hội tiếp cận với nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu được sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm với giá cả hợp lý, hạn chế tình trạng khan hiếm hàng hóa.
Các loại mặt hàng phục vụ tết Nguyên đán đa dạng, phong phú.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình phải đảm bảo đầy đủ, thường xuyên số lượng hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa trên thị trường; phân phối bán lẻ các mặt hàng thiết yếu rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại khu tập trung các huyện, xã, vùng sâu, vùng xa. Về hàng hóa tham gia chương trình bình ổn là hàng Việt Nam, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm, có nhãn mác và giá bán ổn định; nguồn cung ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu và đáp ứng nhu cầu của người dân kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.
Từ nay đến cuối năm, ngành Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối hàng hóa, đảm bảo không thiếu hàng, gây sốt giá. Đồng thời, khuyến khích các siêu thị bán các sản phẩm OCOP để sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giúp đỡ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho xuống mức thấp nhất. Cùng với đó, tăng cường kiểm soát ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm trí tuệ, góp phần ổn định thị trường, đảm bảo đủ số lượng hàng hóa phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh, để bà con yên tâm mua sắm.
Hồng Nguyệt