Nhưng với tinh thần chủ động, quyết tâm chính trị cao, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng. Nhờ đó, kết thúc năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh ổn định và có bước phục hồi, phát triển.
Đồng chí Nguyễn Văn Hương, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: Trong tổng số 18 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao, dự kiến năm 2022 có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (KH). Cụ thể, về kinh tế dự kiến có 2/9 chỉ tiêu đạt KH; về xã hội có 6/6 chỉ tiêu đạt, vượt KH và môi trường có 3/3 chỉ tiêu đạt KH. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 23.486 tỷ đồng, tăng 7,42% so với năm 2021 (KH tăng 10-11%). Trong đó, khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) tăng 4,21%, đóng góp 1,23 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp năm 2022 là nhờ nước tưới đầy đủ, nên diện tích lúa đạt 45,4 nghìn ha, tăng hơn 1,3 nghìn ha so với năm trước; năng suất lúa đạt 61,5 tạ/ha, sản lượng ước đạt 279,7 nghìn tấn, tăng hơn 5,3 nghìn tấn. Bên cạnh đó, các địa phương còn chuyển đổi cây trồng được 1.337,74 ha, tăng 2,9%; thực hiện 31 cánh đồng lớn với diện tích 4.242,75 ha. Sản lượng một số cây lâu năm như: Điều đạt gần 1,3 nghìn tấn, tăng 4,2%; nho đạt gần 26,6 nghìn tấn, tăng 0,4%; xoài đạt 5 nghìn tấn, tăng 5%; táo đạt 38,4 nghìn tấn, tăng 2,3%. Lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng ổn định. Riêng sản xuất thủy sản, tăng cả về sản lượng khai thác lẫn nuôi trồng, với tổng sản lượng ước đạt 136,9 nghìn tấn, tăng 2,6% so với năm 2021; trong đó, cá đạt 122,8 nghìn tấn, tăng 1,9%; tôm đạt 5,6 nghìn tấn.
Công nhân Công ty TNHH Thông Thuận phân loại tôm. Ảnh: Hồng Nguyệt
Đối với khu vực II (công nghiệp và xây dựng) tăng 5,52%, đóng góp tăng 1,82 điểm phần trăm. So với cùng kỳ năm trước, Chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp (IIP) tăng 9,3%. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng cao nhất với 21,5%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,9%; ngành khai khoáng giảm 13,5%; riêng sản xuất và phân phối điện chỉ đạt mức tăng 5,7% (tăng thấp nhất trong các năm 2019-2022). Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu năm nay tăng cao so với năm trước, gồm: Quần áo tăng 50%; tôm đông lạnh tăng 38,2% do thị trường xuất khẩu có nhiều hợp đồng mới; thạch nha đam tăng 18,5%; bia đóng lon tăng 12,3%...
Đối với khu vực III (dịch vụ) tăng 13,79%, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay và là năm đầu tiên mức tăng đạt hai chữ số, đóng góp 4,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Xét theo ngành, lĩnh vực, bán buôn và bán lẻ tăng 16,37% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tăng 0,90 điểm phần trăm; vận tải kho bãi tăng 51,37%, mức tăng cao nhất trong 21 ngành kinh tế cấp 1, đóng góp tăng 0,93 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 40,75%, đóng góp tăng 1,24 điểm phần trăm; hoạt động thông tin và truyền thông tăng 5,99%, đóng góp tăng 0,33 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,45%, đóng góp tăng 0,25 điểm phần trăm; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 22,6%, đóng góp tăng 0,09 điểm phần trăm; giáo dục và đào tạo, đạt mức tăng 5,41%, đóng góp tăng 0,19 điểm phần trăm...
Về cơ cấu GRDP năm 2022, khu vực: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 28,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,6%; khu vực dịch vụ chiếm 30,7%; thuế sản phẩm chiếm 5,3%. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 76,8 triệu đồng, tăng 10,2% (tăng 7,1 triệu đồng) so với năm 2021. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2022 ước đạt 130 triệu USD, tăng 15% so với năm trước và đạt 118,3% so KH (120 triệu USD). Trong đó, thủy sản ước đạt 85 triệu USD, tăng 46,6%; các mặt hàng khác như khăn lông, thạch nha đam ước đạt 30 triệu USD, tăng 20%. Chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng bình quân tăng 4,1%.
Công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt chế biến nha đam.
Trong năm 2022, tổng thu ngân sách toàn tỉnh ước đạt 3.494 tỷ đồng, giảm 19,6% so với năm trước và đạt 100,1% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, thu nội địa 3.394 tỷ đồng, không tăng không giảm và đạt 113,5%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 100 tỷ đồng, giảm 89,5% và đạt 20%. Tính theo khoản thu, có 13/16 khoản đạt và vượt tiến độ dự toán HĐND tỉnh giao; còn 3 khoản thu dự kiến chưa đạt tiến độ dự toán, đó là thu thuế bảo vệ môi trường; thu phí - lệ phí; thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2022 là 6.441 tỷ đồng (không tính chi từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ), đạt 100,1% dự toán HĐND tỉnh giao.
Hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn trong năm 2022 ổn định. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế, dân cư và dư nợ tín dụng có sự tăng trưởng so với cuối năm 2021. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, ước đến cuối năm 2022, nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 20.874 tỷ đồng, tăng 12% (tăng 2.237 tỷ đồng) so với cuối năm 2021, đạt 100% KH năm 2022. Tổng dư nợ cho vay 36.500 tỷ đồng, tăng 9,5% (tăng 3.164 tỷ đồng) so với cuối năm 2021, đạt 95,2% KH năm 2022. Dư nợ xấu trên địa bàn là 278 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,75% so với tổng dư nợ, tăng 0,12% so với tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2021 (số tuyệt đối tăng 68,7 tỷ đồng).
Trong năm 2022 toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 18.730 lao động, tăng 66,7% so với năm trước, đạt 117,1% KH năm. Trong đó, lao động trong tỉnh 8.036 người, chiếm 42,9%; lao động ngoài tỉnh 10.540 người, chiếm 56,3%; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 154 lao động (gồm các nước Nhật Bản 132, Hàn Quốc 2; Đài Loan 17, Nga 2, Hungary 1), đạt 102,7% so với chỉ tiêu giao, tăng 4,5 lần so với năm 2021.
Để tạo đà phục hồi và giữ vững ổn định nền kinh tế 2023, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; ngày 6/12/2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Cụ thể:
Về kinh tế: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP từ 10-11%; GRDP bình quân đầu người đạt từ 87-88 triệu đồng/người. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, thủy sản chiếm 28-29%, công nghiệp, xây dựng chiếm 39-40%, dịch vụ 32-33%. Tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt 32-33%. Năng suất lao động tăng 6-7%. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển chiếm 41% GRDP. Tỷ trọng kinh tế số chiếm 12% GRDP. Thu ngân sách trên địa bàn khoảng 3.658 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 22.200 tỷ đồng.
Về xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm từ 1,5-2%. Có 70-71% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 4-5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 59-60%. Số lao động được đào tạo nghề đạt 9.500 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65-66%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 29%. Có 96-97% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
Về môi trường: Độ che phủ rừng là 47,23%. Tỷ lệ số hộ dân nông thôn được cấp nước sạch hợp vệ sinh đạt 99,7% và hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Bộ Y tế là 97%. Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn 100%. Về quốc phòng, an ninh: Tỷ lệ xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện hằng năm đạt 70% trở lên. Xây dựng Đảng: Kết nạp từ 800-850 đảng viên mới; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 90% trở lên.
Nghị quyết của Tỉnh ủy cũng xác định danh mục các nhiệm vụ, công trình, dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong năm 2023, gồm: Lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu hoàn thành 2 vùng nông nghiệp công nghệ cao tôm giống và rau an toàn An Hải; xúc tiến kêu gọi đầu tư vùng nông nghiệp công nghệ cao Thành Sơn - Phước Nhơn. Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng: Sớm khởi công 275 MW dự án năng lượng, gồm: 6 dự án điện gió công suất 248 MW, 2 dự án thủy điện công suất 27 MW (Điện gió Công Hải 1 - giai đoạn 2 công suất 25 MW, Điện gió Đầm Nại 3 công suất 39,4 MW, Điện gió Đầm Nại 4 công suất 27,6 MW, Điện gió Phước Nam - Enfinity - Ninh Thuận công suất 76 MW, Điện gió Phước Hữu (Hà Đô) công suất 50 MW, Công trình phong điện Việt Nam Power số 01 công suất 30 MW và 2 dự án thủy điện: Thượng Sông Ông 2 công suất 7 MW, Phước Hòa công suất 20 MW).
Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án thứ cấp trong các Khu công nghiệp Du Long, Phước Nam (hoàn thành các dự án: Công ty Inoflow NT; Công ty SX&ĐT Hoàng Thành Đô Lương; Công ty Logistic; Công ty Sợi Đà Lạt; Công ty sản xuất thiết bị điện dân dụng; cát xây dựng 60.000 m3/năm; dầu FOR 1.000 tấn/năm; trà túi lọc 180 ngàn túi/năm; may mặc Thái Vạn Long; sản xuất bao bì...) và Cụm công nghiệp Hiếu Thiện, Phước Tiến, Quảng Sơn. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng truyền tải điện 500 kV, 220 kV, 110 kV đoạn qua địa bàn tỉnh. Khởi công các đô thị mới: Phủ Hà, Đầm Cà Ná, Mỹ Phước, Sông Dinh, Khánh Hải...
Linh Giang