Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều nguồn kinh phí, hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện từ công trình đầu mối đến hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có 22 hồ chứa với tổng dung tích 414,29 triệu m3 và 4 đập dâng lớn (Nha Trinh, Lâm Cấm, Sông Pha, Tân Mỹ) phục vụ tưới tiêu cho khoảng hơn 28.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Nhằm đảm bảo điều tiết nước, quản lý an toàn hồ, đập, tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra hiện trạng công trình, thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng công trình hằng năm nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du. Hiện có 21 hồ chứa đã thực hiện lập và phê duyệt phương án bảo vệ, ứng phó thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp. Có 18 hồ chứa đã được lập quy trình vận hành điều tiết nước; hiện còn 8 hồ chứa cần rà soát điều chỉnh và 4 hồ chứa cần phải lập mới quy trình vận hành điều tiết theo quy định. Có 16 hồ chứa đã và đang thực hiện công tác kiểm định an toàn đập; thực hiện cắm mốc phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa.
Hồ Sông Cái cần sớm có quy trình vận hành và thực hiện cắm mốc hành lang thủy lợi để quản lý,
bảo vệ công trình.
Để đảm bảo an toàn hồ, đập trên địa bàn, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện duy tu, sửa chữa các công trình và thực hiện các nội dung quy định nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác vận hành. Chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra hiện trạng hồ, đập để kịp thời đề xuất tham mưu duy tu bảo dưỡng các công trình có hiện tượng bị xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm các trường hợp lấn chiếm phạm vi bảo vệ hồ, đập và tuyên truyền phổ biến các hộ dân nghiêm chỉnh chấp hành đảm bảo hiệu quả trong công tác vận hành cũng như đảm bảo cứu hộ hồ, đập khi có tình huống xấu xảy ra. Từ năm 2019 đến 2022 toàn tỉnh đã thực hiện duy tu, sửa chữa 8 hồ, đập bị hư hỏng xuống cấp. Các công trình hồ, đập trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị quan trắc công trình theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và các quy định của pháp luật có liên quan trong giai đoạn thi công xây dựng công trình. Được sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương thông qua Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập WB8 và nguồn ngân sách dự phòng gần 80 tỷ đồng, tỉnh đã cân đối vốn đối ứng 16 tỷ đồng để thực hiện sửa chữa các hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp và đầu tư 4,9 tỷ đồng để thực hiện công tác quản lý an toàn đập như: Lập, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa nước; kiểm định an toàn hồ, đập; cắm mốc phạm vi bảo vệ hồ, đập.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), qua kết quả kiểm tra đảm bảo an toàn hồ chứa nước trước mùa mưa lũ năm 2022, toàn tỉnh có tổng cộng 18 hồ, đập có hiện tượng bị hư hỏng xuống cấp, trong đó có 12 hồ, đập bị hư hỏng nhẹ được địa phương cân đối kinh phí để tu sửa khắc phục. Tuy nhiên, còn 6 hồ, đập bị hư hỏng nặng dự kiến kinh phí tu sửa khoảng 37 tỷ đồng, nhưng hiện nay chưa thể cân đối kinh phí khắc phục, tu sửa các hạng mục công trình. Do đó, tỉnh đã đề xuất, kiến nghị Bộ NN&PTNN xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương theo Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 để thực hiện các nội dung quy định của pháp luật về quản lý an toàn hồ, đập và tu sửa, khắc phục các hồ, đập đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Đồng thời đề nghị Trung ương xem xét cho phép kéo dài thời hạn hoàn thành các nội dung thực hiện quy định pháp luật về an toàn đập đến năm 2025 để tỉnh tiếp tục cân đối và huy động nguồn vốn thực hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu cho tất cả các hồ, đập trên địa bàn. Mặt khác, hiện nay hồ Sông Cái đã tích nước nhưng chưa có quy trình để vận hành điều tiết hồ chứa, đề nghị Bộ NN&PTNN chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm lập, thẩm định, phê duyệt để có cơ sở vận hành và sớm thực hiện cắm mốc hành lang thủy lợi Tân Mỹ để quản lý bảo vệ công trình. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống cảnh báo sớm lưu vực Sông Dinh và nghiên cứu nâng cao năng lực vận hành hệ thống sông và hồ chứa; trong đó, có 13 hồ và 4 đập dâng có trạm quan trắc mực nước tự động, 8 hồ có trạm đo mưa tự động. Tuy nhiên, các thiết bị quan trắc hoạt động chưa ổn định, hệ thống phần mềm vận hành còn chậm, treo, thao tác nhập dữ liệu đầu vào thủ công nên công tác quản lý vận hành còn gặp khó khăn cần sớm được khắc phục để vận hành hiệu quả, đảm bảo an toàn cao nhất cho các hệ thống thủy lợi, qua đó đảm bảo đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh.
Anh Tuấn