Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) trang trọng tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể cho 5 nghệ nhân. Tại buổi lễ, các nghệ nhân bày tỏ niềm vinh dự trước sự quan tâm và ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với loại hình văn hóa mà họ đam mê theo đuổi, cống hiến đồng thời chia sẻ những tâm huyết, nỗi niềm về câu chuyện bảo tồn và phát huy các loại hình di sản phi vật thể cho thế hệ mai sau.
Ở độ tuổi gần 80, nhận trên tay bằng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” do Chủ tịch nước phong tặng theo Quyết định số 1021-QĐ/CTN, ông Võ Kệ, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) vui mừng và xúc động bởi những tháng ngày theo đuổi niềm đam mê, nghiên cứu và gieo mầm đờn ca tài tử (ĐCTT) cho thế hệ trẻ đã có ngày được công nhận. Niềm vui càng nhân lên khi chung vui với ông không chỉ có gia đình, con cháu, bạn bè mà còn có cả lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Bén duyên với ĐCTT trong lần đầu nghe tiếng hát, tiếng đàn của đoàn diễn khi còn l3-14 tuổi, ấy vậy mà ông đã quyết học bằng được dù thời điểm ấy rất khó khăn. Bằng nghị lực cùng niềm yêu thích cháy bỏng, ông Kệ đi khắp nơi tìm thầy tập luyện, rồi học hỏi nhiều nơi về cách sử dụng các loại nhạc cụ như: Đàn cò, đàn kìm, đàn bầu, ghi ta phím lõm và dần rồi trở nên chuyên nghiệp. Chẳng biết tự lúc nào, tiếng đàn của ông đã vượt qua khoảng sân nhà, được nhiều người biết đến và yêu thích lắng nghe. Dần tiếng lành đồn xa, ông trở thành hạt nhân tham gia các hoạt động ĐCTT không chỉ tại địa phương mà còn cả tỉnh. Cũng từ dịp ấy, ông càng nghĩ đến việc truyền nghề, phát triển và bảo tồn ĐCTT. Năm 2014, ông vận động những người yêu thích bộ môn vọng cổ để thành lập Câu lạc bộ ĐCTT Bình Quý. Không kể nắng mưa, định kỳ 2 lần/tháng, sân nhà ông lại rộn rã lời ca, giọng hát, tiếng đàn. Câu lạc bộ của ông đã trở thành “món ăn” tinh thần, gắn kết tình làng, nghĩa xóm và những người cùng chung sở thích với nhau. Nghĩ về những thế hệ học trò mà ông truyền dạy, ông tự hào vì có những người đã sống được với nghề, tiếp tục tiếp nối công việc bảo tồn, phát triển ĐCTT.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể cho 5 nghệ nhân.
Có một điều chúng tôi nhận ra trong câu chuyện của các nghệ nhân dù các nghệ nhân có theo đuổi các bộ môn nghệ thuật khác nhau, nhưng tựu chung là sự tâm huyết và niềm yêu thích vô bờ bến. Nó như một phần trong đời sống của nghệ nhân và chính vì vậy họ lại mang nặng trong mình nỗi niềm làm sao có thể bảo tồn, duy trì và phát triển DSVH cho thế hệ trẻ trong giai đoạn mà nhiều nền văn hóa hiện đại, ngoại lai đang “đổ bộ” vào đời sống của người dân. Ông Lai Lầu, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) đã có trên 60 năm nghiên cứu về sử dụng, sáng chế và sưu tầm các bài đánh trống Ghi năng của đồng bào dân tộc Chăm, ông chia sẻ: Nhiều năm qua, bên cạnh việc nỗ lực truyền nghề, dạy nghề cho các thế hệ tiếp nối, tôi luôn cố gắng tuyên truyền, chia sẻ cho bà con về những giá trị, nét đẹp cốt lõi của văn hóa truyền thống đồng bào Chăm để khơi dậy niềm tự hào, tự tôn, qua đó gieo mầm đam mê cho thế hệ trẻ về trống Ghi năng. Tôi tự hứa với lòng sẽ dùng hết sức lực để bảo tồn, phát huy trống Ghi năng, âm nhạc truyền thống của đồng bào Chăm.
Có mặt tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã gửi lời chúc mừng đến các nghệ nhân, đồng thời mong muốn các nghệ nhân tiếp tục nỗ lực, phát huy vai trò của mình trong việc gìn giữ, bảo vệ các giá trị của DSVH phi vật thể mà bản thân đang nắm giữ, xứng đáng với danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Bên cạnh đó, đồng chí giao Sở VH,TH&DL chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành có liên quan nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt chính sách đối với các “Nghệ nhân ưu tú”; làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị DSVH phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Qua đó cho thấy sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh đối với các “Nghệ nhân ưu tú” nói riêng, cũng như công tác bảo tồn, phát huy các giá trị DSVH phi vật thể nói chung, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” là phần thưởng xứng đáng nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của các nghệ nhân trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị DSVH phi vật thể của tỉnh. Không chỉ là niềm vinh hạnh đối với các nghệ nhân, gia đình mà còn là niềm vui lớn đối với cộng đồng dân cư, dân tộc, các ngành, các cấp của tỉnh ta.
Lê Thi