Chỉ số côn trùng (muỗi truyền bệnh SXH) tăng cao trong những đợt mưa vừa qua, tình trạng vệ sinh môi trường tại các địa bàn, khu dân cư còn nhiều ổ nước tù đọng, vật dụng phế thải có đọng nước mưa xung quanh nhà ở rất phổ biến, đó là yếu tố thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, khó kiểm soát. Dự báo dịch bệnh sẽ gia tăng, kéo dài và lan rộng nếu không tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa trong cộng đồng.
Để ngăn ngừa dịch SXH gia tăng, ngày 25/11, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch SXH, trong đó triển khai ngay chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy tại vùng có dịch và vùng nguy cơ có dịch, đảm bảo tất cả các hộ gia đình phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng đồ phế thải, vùng nước đọng nơi sinh sản của muỗi,… để thực hiện các hình thức diệt bọ gậy.
Cán bộ Sở Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại một số hộ dân trên địa bàn phường Đô Vinh.
Các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy hàng tuần trên địa bàn phụ trách; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân chủ động kiểm tra, diệt bọ gậy tại hộ gia đình và thực hiện các biện pháp phòng bệnh, khi có sốt phải đến cơ sở y tế khám, them dõi, điều trị sớm, không tự ý điều trị tại nhà để ngăn chặn các biến chứng nặng, tử vong; tổ chức kiểm tra, xử lý kịp thời các cá nhân, tập thể còn chủ quan, lơ là không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
UBND tỉnh giao Sở Y tế giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch SXH; tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch, đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể; xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị, cập nhật và theo dõi chặt chẽ nhóm người bệnh có nguy cơ cao (người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bệnh mạn tính); bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong; đồng thời rà soát, điều chỉnh quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện…
B.H