Ngày 24/11, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Anh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong 3 năm (2020, 2021 và 2022), việc dạy học môn Tiếng Anh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực theo chương trình. Kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh năm 2020 có chất lượng thấp nhất với trung bình (TB) điểm thi 4,085 điểm, tỷ lệ bài thi đạt từ 5 điểm trở lên 26,12%; năm 2021 có chất lượng cao nhất với TB điểm thi 5,304 điểm, tỷ lệ bài thi đạt từ 5 điểm trở lên 50,35%; năm 2022, chất lượng giảm so với năm 2021 nhưng vẫn cao hơn năm 2020 với TB điểm thi 4,613 điểm và tỷ lệ bài thi đạt từ 5 điểm trở lên 38,27%. So với toàn quốc, chất lượng bài thi môn Tiếng Anh tại tỉnh ta còn thấp, nằm ở top dưới TB; TB điểm thi hằng năm thấp hơn TB toàn quốc khoảng 0,5 điểm và tỷ lệ bài thi đạt từ 5 điểm trở lên thấp hơn khoảng 10%. Đối với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, kết quả 3 năm nói trên có sự tăng, giảm giống điểm thi tốt nghiệp THPT. TB điểm thi toàn tỉnh cả 3 năm đều dưới 5,0 điểm; phổ điểm phổ biến có thay đổi nhưng đều tập trung ở điểm yếu, kém; điểm giỏi chỉ từ 3,32% đến 5,04%, điểm kém từ 38,01% đến 62,42%.
Các đại biểu tham dự Hội nghị nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Anh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở phân tích dữ liệu, đánh giá ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, dạy học môn Tiếng Anh, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến góp phần đổi mới hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Tiếng Anh theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên Tiếng Anh trong các trường phổ thông phù hợp với yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Anh và tiến tới cải thiện chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo.
Phạm Lâm