(NTO) Cứ đến tháng 5 âm lịch hằng năm, bến cá Mỹ Tân (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải) lại rộ lên mùa cá cơm, thuyền ghe tấp nập, nhộn nhịp bán mua. Thế nhưng, Mỹ Tân mùa này đang vắng bóng cá cơm. Vì sao?
Một vài cơ sở hấp cá phải thu mua cá từ Quảng Ngãi, chở về để có nguồn hàng dự trữ.
Được biết, thường khi bến cá Mỹ Tân có hơn 300 tàu, ghe địa phương và ghe tàu vãng lai từ các tỉnh Phú Yên, Bình Định cặp bến bán cá. Ông Phạm Ỷ, ngư dân sinh sống tại Mỹ Tân cho biết: “Mùa này biển đói cá, mấy tàu ghe chỉ đánh bắt được ít cá tạp. Nhà tôi có 2 ghe, mỗi lần ra khơi phải “nạp” bình quân 300 lít dầu, đêm đi, đến sáng hôm sau về, lỗ 5 triệu đồng nếu không có cá. Mọi năm, thời điểm này là mùa cá cơm nhưng hiện nay, luồng cá cơm ở đây đã cạn. Thuyền ghe chỉ biết đậu ở bến thôi”.
Không có cá cơm, không chỉ riêng các chủ ghe và bạn thuyền chịu thất thu mà ở Mỹ Tân, 27 lò hấp cá cũng phải chịu chung khó khăn vì thiếu cá để hấp. Anh Lê Văn Thạch, chủ một lò hấp cá ở Mỹ Tân cho biết: “Đầu tháng 5 âm lịch, có một đợt cá cơm, cơ sở tôi thu mua được hơn 60 giỏ cá (mỗi giỏ nặng 20kg). Chỉ một ngày duy nhất, các ghe rầm rộ đi đánh, hôm sau là hết cá. Tôi phải mua cá chở từ Quảng Ngãi vào mới có cá để hấp. Rất nhiều cơ sở phải để lò nghỉ”. Tại mỗi lò hấp cá, mỗi ngày giải quyết được gần 100 lao động với số tiền công được tính 80 – 90 ngàn đồng/ngày/nhân công. Như tình hình hiện nay, các lò hấp cá tại địa phương ngừng hoạt động nên nhiều lao động phải lâm vào cảnh thất nghiệp.
Trao đổi với đồng chí Nguyễn Khắc Hòa, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải, chúng tôi được biết: Sở dĩ, bến cá Mỹ Tân xảy ra tình trạng như trên, chủ yếu do đánh bắt cá bằng chất nổ của các ngư dân địa phương. Mỗi khi phát hiện luồng cá cơm, các ghe tiến hành đánh bắt bằng chất nổ gây hủy diệt hàng loạt các loài thủy sản, tiêu diệt cả cá mẹ, cá con. Bên cạnh đó, điều này còn làm ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái dưới biển, đó là: phá hoại ngoại cảnh - nơi di cư đến đẻ và kiếm mồi của nhiều loài cá; thay đổi quy luật di chuyển kiếm mồi và sinh sản của nhiều loài cá, tôm đến vùng biển này.
Như vậy, chỉ với việc khai thác nguồn thủy sản bằng chất nổ, các ngư dân vô tình đã phá vỡ hệ sinh thái của vùng biển địa phương và hệ lụy của nó đã rõ.
Đức Minh