(NTO) Thực tế nhiều sự kiện trọng đại của đất nước cũng như của địa phương thời gian qua đặt ra cho cơ quan báo chí, người cầm bút những yêu cầu thử thách mới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Song đó cũng là cơ hội để tiếp tục thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và đạo đức của đội ngũ những người làm báo tỉnh nhà tích lũy thêm bề dày kinh nghiệm để làm tốt hơn nhiệm vụ. Trong bối cành hiện nay của đất nước, cũng như của địa phương đòi hỏi những người làm báo cần nêu cao tinh thần trách nhiệm xứng đáng là đội quân tiên phong trên mặt trận tư tưởng; góp phần tích cực vào việc giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của địa phương. Sâu sát cơ sở, bám sát thực tiễn phát hiện những vấn đề xã hội quan tâm, kiến nghị những giải pháp phù hợp với các cơ quan chức năng để xem xét xử lý thích đáng. Đồng thời báo chí tham gia tích cực vào việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để ổn định tình hình.
Các nhà báo tác nghiệp tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Ảnh: Tuấn Dũng
Để làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình, trong giai đoạn hiện nay yêu cầu các cơ quan báo chí và những người cầm bút cần đề cao trách nhiệm chính trị, xã hội khi thông tin trên báo chí một cách trung thực và khách quan. Để có được sự trung thực và khách quan, người cầm bút phải có cái tâm và đạo đức trong sáng, một bản lĩnh vững vàng, viết báo phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân, viết báo không vì vụ lợi. Để hội tụ được các đức tính cao đẹp ấy, người cầm bút phải thường xuyên học tập trong thực tiễn cuộc sống, trong phong trào cách mạng của quần chúng, học tập đồng nghiệp… để nghề nghiệp ngày càng tinh thông, sâu sát cơ sở, không thụ động chờ nguồn tin mà phải chủ động khám phá, lắng nghe và tiếp thu nhiều kênh thông tin rồi “gạn đục, khơi trong”, chọn lọc những thông tin “đắt giá” nhất và viết bằng năng lực và bằng cái tâm của mình. Nếu viết theo kiểu một chiều được chăng hay chớ, phù họa, thiếu sự cọ xát, phản biện thì tác phẩm báo chí ấy rất đỗi tầm thường. Nghề làm báo phải tỏ rõ quan điểm và thái độ trước các sự kiện và con người, khen hoặc chê, biểu dương mặt này, phê phán mặt kia qua thông tin, phản ánh, bình luận. Đó là việc làm bình thường của người làm báo, nhưng không hề đơn giản. Đối với người có lương tâm nghề nghiệp còn cho đó là một công việc khó khăn. Bởi nhà báo hàng ngày, hàng giờ xử lý các thông tin, thời sự nhanh nhạy, kịp thời trong thời đại thông tin bùng nổ đang là đòi hỏi của người đọc, người nghe, người xem, đồng thời là có sự cạnh tranh của các tờ báo. Nhưng nhanh phải đúng và chỉ có nhanh và đúng mới tạo được sự tin cậy với tờ báo và người viết. Tuy nhiên việc này không dễ, vì có việc thấy rõ ngay đúng sai, nhưng có việc phải chờ một thời gian qua kiểm nghiệm thực tiễn mới đánh giá đúng giá trị của tác phẩm báo chí. Có lúc người làm báo rất phấn khởi việc biểu dương đúng một sự việc hoặc dự báo đúng về nhân tố mới ngay từ khi mới còn là “cái nụ, cái mầm”. Cũng có lúc hối hận khi khen ngợi, thậm chí thổi phồng quá đáng những sự kiện hoặc con người nào đó không đúng sự thật, chính việc ấy chỉ làm hại nơi đó. Cũng có lúc chê bai quá mức, thậm chí bôi nhọ, làm nhục một đơn vị nào đó, hoặc một con người vốn cơ bản là tốt, chỉ sai lầm nhất thời, với mức vừa phải… làm tổn hại danh dự và gây khó khăn trong việc tiếp tục làm ăn, hoặc gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình… Thời gian đến, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của báo chí là: chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, khắc phục xu hướng thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí. Đồng thời làm tốt hơn nữa việc biểu dương người tốt, việc tốt, những cách làm hay để nhân rộng trong xã hội… góp phần tích cực đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và nghị quyết của địa phương vào cuộc sống.
Nhân ngày 21/6 – Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, những người cầm bút tỉnh nhà nguyện ra sức thi đua, khắc phục các khuyết, nhược điểm, tiếp tục vươn lên, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Phú Thủy