(NTO) Trước đó, trong các buổi tiếp xúc cử tri để vận động cho chính mình, hầu hết các đại biểu đều hứa với cử tri, nếu trúng cử sẽ thực hiện nghiêm túc lời hứa, phục vụ quyền lợi chính đáng của nhân dân, góp phần xây dựng hoạt động Quốc hội và HĐND vững mạnh, hoàn thành tốt trách nhiệm.
Sau niềm vui được trúng cử, nhưng sẽ còn không ít khó khăn phía trước đang chờ các đại biểu.
Hứa và thực hiện lời hứa là điều mong muốn chủ quan của đại biểu trúng cử, nhưng đó chỉ là khâu đầu – chưa phải là tất cả. Bởi hứa (nói) thì dễ, nhưng thực hiện (hành động) không như nói. Nói lời hay nhưng làm có lúc không hay và chưa đúng yêu cầu. Trước khi trúng cử, mỗi đại biểu đưa ra lời hứa là dựa theo chức năng, nhiệm vụ, cương vị công tác của mình, có gắn kết với tình hình kinh tế-xã hội của địa phương lúc bấy giờ. Nhưng cũng phải tính đến những khả năng khi thực hiện lời hứa tình hình có khác, hoặc tình hình kinh tế-xã hội có biến đổi; Nhà nước cũng ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm cải thiện đời sống; sự diễn biến phức tạp của thế giới trên nhiều lĩnh vực… làm cho thực tế có khác trước. Vì vậy, yêu cầu của đại biểu phải sâu sát, cập nhật tình hình thường xuyên… sao cho việc thực hiện lời hứa sát với thực tế tình hình, không lạc hậu, hoặc nêu vấn đề một cách chung chung…
Nhưng để lời hứa trở thành hiện thực, mang lại hiệu quả cao, đại biểu không chỉ có phản ảnh tình hình, mà cái chính là yêu cầu đại biểu phải nắm vững cơ sở pháp lý, các nội dung nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vận dụng có chọn lọc, uyển chuyển, tạo được sức thuyết phục, để nghị trường công nhận.
Quá trình hoạt động, thực tế có những vấn đề “hóc búa” hoặc sức ép từ cuộc sống… thì người đại biểu phải bình tĩnh, suy xét không nản chí, tích cực phản biện và người đại biểu có trí thông minh, tài giỏi chưa đủ, mà còn phải có dũng khí đấu tranh để bảo đảm lời hứa của mình có cơ sở thực hiện, có vậy mới chứng minh được sự tín nhiệm của cử tri đã bầu chọn mình. Cuộc bầu cử lần này không ít đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp lần đầu, nên việc hoạt động ở nghị trường ắt thiếu kinh nghiệm, lúng túng. Nhanh nhất cũng phải đến vài ba kỳ họp mới gọi là am hiểu cung cách hoạt động, quen dần không khí nghị trường. Để làm tròn trách nhiệm, người đại biểu phải chịu khó học tập, rút kinh nghiệm, phải tự trang bị nhiều kỹ năng: kỹ năng đại diện; kỹ năng lắng nghe và trình bày lại cho cử tri; kỹ năng phát biểu; kỹ năng tranh luận tại nghị trường… để có tác động vào chương trình, nghị sự và các chủ trương, chính sách.
Định kỳ, các đại biểu nên báo cáo kết quả việc thực hiện lời hứa với cử tri – đó là thể hiện sự kính trọng đối với lá phiếu mà cử tri đã tin tưởng bầu cho mình. Trình độ chung của cử tri ngày càng được nâng cao, họ sẽ luôn giám sát, theo dõi hoạt động của các đại biểu, do đó yêu cầu trách nhiệm của đại biểu cũng phải được nâng lên đủ tầm và vượt tầm, đáp ứng yêu cầu của cử tri và xứng đáng người đại biểu nhân dân.
Phú Thủy