Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06 phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia

Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6/1/2022 (Đề án 06), xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện theo lộ trình từng năm.

Tại tỉnh ta, thực hiện Đề án 06, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch số 590/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; đồng thời thành lập Tổ công tác thực hiện Đề án 06 với 31 thành viên tham gia. Trên cơ sở các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong Đề án 06, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan rà soát, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; nâng cấp hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) các cấp trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công (DVC), hệ thống thông tin “một cửa” điện tử từ trung ương đến địa phương; tích hợp, cung cấp 100% các DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia. Thực hiện việc kết nối, tích hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL chuyên ngành, hệ thống thông tin cung cấp DVC trên địa bàn tỉnh với CSDL quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử với hệ thống thông tin giải quyết TTHC...

Cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) ứng dụng công nghệ số để làm hồ sơ cấp căn cước công dân.Ảnh: D.My

Đến nay, qua 10 tháng triển khai thực hiện Đề án 06 cho thấy, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, cơ bản bảo đảm tiến độ các nội dung, nhiệm vụ được phân công. Trong đó, đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện 25 DVC thiết yếu; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư giữa CSDL quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện TTHC theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong CSDL quốc gia về dân cư. Việc triển khai ứng dụng các tính năng của chip điện tử gắn trên thẻ căn cước công dân (CCCD) và ứng dụng VNeID trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội, nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số thu được những kết quả tích cực. Hiện nay công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện công tác thu nhận, cấp tài khoản định danh điện tử, cài đặt, sử dụng và tuyên truyền ứng dụng VNeID, tuyên truyền lợi ích, thuận lợi của tài khoản định danh và xác thực điện tử mức độ 1, mức độ 2. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương, tính đến ngày 30/10, toàn tỉnh đã thu nhận 557.262/595.083 hồ sơ cấp CCCD, đạt 93,64%; định danh điện tử được 40.477 hồ sơ, đã kích hoạt 3.719 hồ sơ, đạt 0,64%. Có 78/78 cơ sở y tế thực hiện sử dụng thẻ CCCD tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám, chữa bệnh; xác thực dữ liệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với CSDL quốc gia về dân cư đạt 45%.

Bên cạnh đó, các đơn vị “chủ lực” trong triển khai thực hiện Đề án 06 như: Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thu nhận hồ sơ cấp CCCD và định danh điện tử cho toàn bộ công dân đủ điều kiện nhưng chưa làm CCCD trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Công an; tiếp tục duy trì triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp “làm sạch” dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”; rà soát, xác minh, xác thực thông tin sai lệch, còn thiếu để kịp thời cập nhật lên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19; kiểm tra, nhập liệu và “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện số hóa các loại hồ sơ; chuẩn hóa và “làm sạch” dữ liệu trẻ em; triển khai thực hiện hệ thống thông tin CSDL bảo trợ xã hội nhằm đảm bảo kết nối hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và CSDL bảo trợ xã hội với CSDL quốc gia về dân cư...

Tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng so với mặt bằng chung của cả nước, tỉnh ta vẫn nằm trong nhóm các địa phương triển khai Đề án 06 còn chậm và kết quả thực hiện các chỉ tiêu chưa cao. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng thực hiện các nhóm nhiệm vụ, chỉ tiêu Đề án đặt ra, UBND tỉnh, Tổ công tác thực hiện Đề án 06 tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương quán triệt tinh thần xem đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, qua đó tìm kiếm giải pháp kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đốc thúc để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu quả. Theo đó, nhiệm vụ cần tập trung hoàn thành trong năm 2022 là phối hợp, rà soát, kiểm tra, giải quyết, xử lý các thông tin về công dân còn thiếu, sai khác trên CSDL với giấy tờ công dân và CSDL quốc gia về dân cư; thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”; hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phục vụ thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa CSDL quốc gia về dân cư với Cổng DVC quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết TTHC các cấp. Công an tỉnh và các địa phương phối hợp để sử dụng dữ liệu liên thông có tính thống nhất, đảm bảo yếu tố bảo mật dữ liệu của công dân. Đồng thời, xây dựng nguồn lực để đảm bảo các điều kiện về cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu triển khai Đề án 06. Toàn tỉnh quyết tâm triển khai thực hiện thành công Đề án 06, hướng tới các ứng dụng số lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.