Theo ghi nhận của Bộ TTTT, tháng 9/2022, số lượng người dùng thường xuyên hằng tháng của các ứng dụng, nền tảng số trên thị trường Việt tương đối ổn định so với tháng 8/2022 với sự sụt giảm số lượng người dùng là không đáng kể (chỉ vào khoảng 0,36%). Tuy nhiên, số lượng người dùng các ứng dụng, nền tảng Việt có sự gia tăng mạnh với số lượng người dùng cao nhất từ đầu năm trở lại đây, tăng 17,59% so với tháng trước (tập trung ở các ứng dụng trò chơi trực tuyến và thanh toán số).
Tháng 9/2022, mặc dù tổng thời lượng sử dụng các ứng dụng, nền tảng số trên thiết bị di động giảm khoảng 7% so với tháng trước tuy nhiên thời lượng dành cho các ứng dụng, nền tảng Việt Nam lại đang tăng ở mức 5%, từ 9,13 giờ/thuê bao/tháng lên mức 9,56 giờ/thuê bao/tháng (tăng khoảng 40 phút/thuê bao). Nhờ vậy, tỷ trọng về tổng thời lượng người dùng dành cho các ứng dụng, nền tảng số Việt Nam so với tổng thời lượng chung của thị trường là 14,13%, tăng nhẹ so với tháng 8/2022.
Một tín hiệu đáng mừng là số lượng ứng dụng, nền tảng số do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước phát triển ghi nhận sự tăng mạnh, tăng 34% so với tháng 8/2022. Trò chơi điện tử là nhóm ứng dụng được người dùng tải mới nhiều nhất trong tháng 8/2022; ngoài trò chơi điện tử, Zalo là số ít ứng dụng (không phải trò chơi điện tử) có sự tăng trưởng về số lượng lượt tải mới tương đối cao trong tháng.
Sử dụng ứng dụng VssID khi đi khám chữa bệnh bằng BHYT.
Trong số top 50 ứng dụng do cơ quan nhà nước đặt hàng phát triển và vận hành, ứng dụng bảo hiểm xã hội VssID là ứng dụng duy nhất có số lượng tăng trưởng lượt tải mới trên thiết bị di động cao nhất (xếp thứ 28 về sự gia tăng số lượng lượt tải mới) với hơn 320 nghìn số lượt tải mới trên thiết bị di động so với tháng trước.
Bên cạnh đó, vừa qua, ngành Thuế đã triển khai ứng dụng Thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile) với hệ thống các chức năng, dịch vụ, hỗ trợ dành cho người nộp thuế là cá nhân trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, việc sử dụng ứng dụng eTax Mobile không chỉ phục vụ cho người nộp thuế là cá nhân mà còn đem lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý nhà nước và xã hội nói chung.
eTax Mobile nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu đến năm 2025 “có 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động” mà Chính phủ đề ra trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Với eTax Mobile, người nộp thuế có thể thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan Thuế vào mọi lúc, mọi nơi, tại bất kỳ địa điểm nào có kết nối Internet; không phải đến trực tiếp tại kho bạc hay ngân hàng mà vẫn hoàn thành nghĩa vụ thuế nhanh chóng, chính xác. Qua đó, giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, chủ động được công việc cá nhân. Đặc biệt, eTax Mobile còn giúp người nộp thuế dễ dàng quản lý, theo dõi, tra cứu thông báo thuế, đối chiếu giao dịch nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước, thông tin nộp thuế được đảm bảo an toàn và bảo mật. Với cơ quan Thuế, ứng dụng góp phần giảm thủ tục hành chính; giảm thời gian, nhân lực thu thuế trực tiếp đến người nộp thuế, góp phần hiện đại hóa, nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế.
Số lượng các ứng dụng, nền tảng số do các tổ chức, cá nhân trong nước phát triển và đưa vào sử dụng ngày càng nhiều nhưng chưa mạnh (số lượng các ứng dụng, nền tảng có trên 5 triệu người dùng chiếm số lượng còn ít, theo số liệu ước tính có khoảng 14 ứng dụng, nền tảng có trên 5 triệu người dùng). Như vậy, các nền tảng xuyên biên giới hiện nay vẫn đang nắm giữ thị phần lớn về số lượng người dùng thường xuyên hằng tháng. Vấn đề này đặt ra những thách thức lớn về vấn đề chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng; vấn đề về an ninh quốc gia khi các ứng dụng y tế, sức khỏe của một số doanh nghiệp nước ngoài đang theo dõi một số lượng lớn người dân Việt hay vấn đề về mua bán sát nhập các doanh nghiệp nắm giữ dữ liệu người tiêu dùng số Việt Nam; vấn đề về đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, chống thất thu thuế giữa nền tảng trong nước và nước ngoài.
Do đó, Bộ TTTT cho rằng, các bộ ngành quyết liệt xây dựng thể chế số của các ngành, lĩnh vực; chỉ đạo việc sử dụng các nền tảng số quốc gia dùng chung, kết nối, mở, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với các nền tảng số quốc gia nhằm đồng bộ, liên thông, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Theo TTXVN/Báo Tin tức