Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, để có thêm thông tin, kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo liên quan đến sách giáo khoa. Khi đối chiếu cho thấy, sách giáo khoa Việt Nam và sách giáo khoa (SGK) một số nước trong khu vực và trên thế giới (Lào, Malaysia, Singapore; Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ; Anh, Pháp, Australia, Nga) có những khía cạnh cụ thể như sau:
Về giá sách, dựa trên tiêu chí đơn giá (đồng/trang) sau khi quy đổi về cùng quy cách (khổ sách, số màu in), so sánh các cuốn sách cùng môn học, cùng lớp/cấp học, cho thấy, giá SGK của các nước Ấn Độ, Singapore, Australia và Hàn Quốc cao hơn giá SGK Việt Nam từ 7 đến 12 lần. Về khổ sách, khổ SGK Việt Nam tương đồng với khổ sách các nước nhưng thống nhất theo một khổ nhất định (các nước có nhiều khổ sách đồng thời).
Học sinh xem triển lãm sách giáo khoa qua các thời kỳ do Bộ GD&ĐT tổ chức. Ảnh: LV.
Về giấy in, hầu hết các nước sử dụng giấy in SGK có định lượng cao hơn, độ trắng lớn hơn giấy in SGK của Việt Nam. Về trọng lượng của sách, do sử dụng giấy in có định lượng thấp hơn nên SGK Việt Nam nhẹ hơn SGK các nước.
Về số màu, SGK Việt Nam theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 in 4 màu, tương đồng với sách các nước trên thế giới.
Về tiêu chuẩn, quy chuẩn sách giáo khoa Việt Nam hiện nay đang thực hiện theo quy định như sau:
Về khổ sách giáo khoa; Giấy in sách giáo khoa; Mực in: Thực hiện theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8694:2011.
Về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; Tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa: thực hiện theo Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; Thông tư số 23/2020/TT-BGDĐT ngày 6/8/2020 và Thông tư số 5/2022/TT-BGDĐT ngày 19/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017.
Bộ GD&ĐT đã có các quy định mang tính quy phạm pháp luật (bắt buộc thực hiện) về tiêu chuẩn SGK nhưng vẫn còn những hạn chế như: Đặc tính kỹ thuật của sách giáo khoa, mới chỉ có quy định về khổ sách giáo khoa, giấy in sách giáo khoa và mực in. Một số đặc tính kỹ thuật quan trọng khác của sách giáo khoa chưa quy định như: Trình bày nội dung sách; Kỹ thuật in sách; Kỹ thuật gia công sách; Phương pháp thử. Các yêu cầu về quản lý chưa đầy đủ và rõ ràng theo các quy tắc quy định về tiêu chuẩn.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ đang giao các đơn vị chức năng nghiên cứu, tham mưu xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia về SGK.
Theo TTXVN/Báo Tin tức