Ngành Giáo dục và Đào tạo học tập theo Bác, nâng cao chất lượng dạy và học

Nhằm tạo chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, hành động của cán bộ, giáo viên (CBGV), học sinh (HS) và nâng cao chất lượng dạy, học theo hướng toàn diện, những năm học qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những mô hình, việc làm thiết thực, cụ thể, qua đó tạo sức lan tỏa và đạt nhiều kết quả tích cực.

Công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng nghề nghiệp, tư vấn chọn nghề cho CBGV, HS... được ngành GD&ĐT tăng cường triển khai. Các trường cũng đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tế; tuyên truyền, hướng dẫn CBGV, HS tích cực tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021 và sử dụng thiết thực bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống” dành cho HS phổ thông trong các hoạt động dạy, học và giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Trường THPT Nguyễn Trãi vừa được đầu tư xây mới góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Ảnh: Phan Bình

Các đơn vị, trường học đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành sinh hoạt nền nếp, thường xuyên; quan tâm, làm tốt các chuyên đề: Xây dựng văn hóa, quy tắc ứng xử trong nhà trường, quy định đạo đức nhà giáo; gắn việc học tập và làm theo Bác với các phong trào thi đua, cuộc vận động: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dạy tốt - Học tốt”, “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”...; đồng thời, hưởng ứng và triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật như phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đã vận động CBGV, người lao động toàn ngành tham gia ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; vận động CBGV, HS vùng thuận lợi ủng hộ, giúp đỡ CBGV, HS vùng khó khăn. Đặc biệt, nhằm chia sẻ khó khăn với HS nghèo, HS mồ côi cha, mẹ do dịch COVID-19 chưa có thiết bị học tập trực tuyến, trong năm học 2021-2022, CBGV, người lao động ngành GD&ĐT đã tích cực hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh phát động, qua đó quyên góp, ủng hộ được số tiền trên 1,3 tỷ đồng.

Học tập và làm theo Bác, ngành GD&ĐT cũng đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, bình đẳng, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của HS. Các phong trào, hoạt động: Khuyến học - khuyến tài, nhân đạo - từ thiện, “Nhà em treo ảnh Bác Hồ”, “Nói lời hay, làm việc tốt”, “Kế hoạch nhỏ”, HS thi đua thực hiện tốt “5 điều Bác Hồ dạy”, “Nuôi heo đất giúp bạn nghèo”... được các trường duy trì triển khai qua nhiều năm học, giúp các thế hệ học trò rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống, thêm yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, học tập. Thông qua việc “nuôi heo đất”, trong năm học 2021-2022, Trường Tiểu học (TH) Bình Quý (Ninh Phước) tiết kiệm được gần 15,8 triệu đồng; các trường TH trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm như: Trường TH Đô Vinh 2 “nuôi heo đất” được hơn 10 triệu đồng, Trường TH Bảo An 2 “nuôi heo đất” được 22,3 triệu đồng... Việc “nuôi heo đất” không chỉ góp phần giáo dục tính tiết kiệm, phát huy truyền thống “tương thân, tương ái” của HS đối với cộng đồng, mà còn tạo nguồn kinh phí trao tặng học bổng giúp HS có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện đến trường học tập để thay đổi cuộc đời.

Giờ lên lớp của cô và trò Trường Tiểu học Bảo An 2 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).

Qua đẩy mạnh triển khai thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức, hành động, khích lệ đội ngũ CBGV, HS tìm tòi, sáng tạo, đổi mới trong quản lý, giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Năm học 2021-2022, toàn ngành đoạt 10 giải HS giỏi văn hóa, 2 giải khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia. Có 1 giáo viên đoạt giải Nhất, 1 HS đoạt giải Nhì và 13 giáo viên, HS đoạt giải Khuyến khích tại Hội giao lưu “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” cấp quốc gia; 2 HS đoạt giải Nhất cấp quốc gia Cuộc thi “Trạng nguyên tiếng Việt”. Đặc biệt, lần đầu tỉnh ta có 1 HS được Hội Vật lý Việt Nam chọn tham dự Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu, 1 HS được Bộ GD&ĐT chọn tham dự Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic năm 2022. Tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT đạt 95,73%, tăng 0,57% so với năm 2021. Đối với CBGV, có 7 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 94 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen; 51 cá nhân được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen; 25 cá nhân được Giám đốc Sở GD&ĐT tặng giấy khen đạt thành tích xuất sắc “Nhà giáo trẻ tiêu biểu”...

Những kết quả đạt được giúp CBGV, HS có thêm niềm tin, động lực để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả tốt hơn trong năm học 2022-2023 và những năm học tiếp theo.