Hơn 104 nghìn lượt học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người được hỗ trợ học tập

Thông tin từ Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 5 năm qua, cả nước có 104.219 lượt trẻ em, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập.

Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 57/2017/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người cho thấy, Nghị định đã được triển khai tích cực, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và các cơ sở giáo dục đào tạo. Nhờ đó, các chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với 16 dân tộc thiểu số rất ít người đã được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Đại diện Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định: Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 57 đã khẳng định tính nhân văn, ưu việt và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người.

Cụ thể, 100% trẻ em mẫu giáo dân tộc thiểu số rất ít người có nguyện vọng được học tại các trường mầm non, trường, lớp mẫu giáo công lập; 100% học sinh dân tộc thiểu số rất ít người được theo học các cấp học phổ thông tại các trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông công lập. Khi tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông, các em được sắp xếp theo học các bậc học cao hơn phù hợp với nguyện vọng cá nhân và trình độ học tập.

Học sinh dân tộc Chăm ở xã Phước Nam, huyện Thuận Nam học tiếng Việt tại trường tiểu học Văn Lâm. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Các chính sách hỗ trợ học tập đối với học sinh dân tộc thiểu số rất ít người được thực hiện đảm bảo đúng đối tượng và đủ định mức. Kết quả, từ tháng 7/2017 đến tháng 7/2022, đã có 104.219 lượt trẻ em, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập.

Tuy nhiên, trong 5 năm triển khai Nghị quyết, các nơi vẫn còn có những khó khăn gặp phải như: Chính sách hỗ trợ học tập chỉ áp dụng với trẻ mẫu giáo dân tộc thiểu số rất ít người từ 3 tuổi trở lên, trẻ nhà trẻ không có chế độ hỗ trợ, trong khi tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của nhiều dân tộc thiểu số rất ít người chiếm đến 80%, dẫn đến khó khăn trong công tác huy động trẻ nhà trẻ ra lớp; Số dân của 16 dân tộc thiểu số rất ít người đã có sự thay đổi, kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, có 2 dân tộc (La Hủ và La Ha) đã có số dân trên 10.000 người.

Để tháo gỡ những khó khăn, thực hiện các chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển về giáo dục và đào tạo, Vụ Giáo dục Dân tộc đã đưa ra giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị định số 57/2017/NĐ-CP gồm:

Ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP.

Địa phương cần rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn nhằm tạo điều kiện tốt nhất để phát triển giáo dục và đào tạo đối với các dân tộc thiểu số rất ít người; Sắp xếp mạng lưới trường, lớp cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp hỗ trợ giáo dục đối với trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số rất ít người; Tăng cường kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh công tác truyền thông tình hình thực hiện Nghị định 57/2017/NĐ-CP và các chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số miền núi; Tăng cường phối hợp công tác kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến lĩnh vực giáo dục dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Theo TTXVN/Báo Tin tức