Đẩy mạnh quản lý, triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh

Hiện nay, các cơ quan nhà nước (CQNN) trên địa bàn tỉnh đã được cấp phát 1.685 chữ ký số (CKS) cá nhân và 380 chứng thư số tổ chức, nhằm phục vụ cho việc ký số các văn bản điện tử trên phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc; bên cạnh đó, còn được mở rộng sử dụng trong các giao dịch khác như: Bảo hiểm xã hội, thuế, kho bạc...

Việc triển khai, sử dụng CKS trong thời gian qua đã góp phần bảo đảm các giao dịch điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành; góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, việc quản lý CKS chuyên dùng Chính phủ theo Quyết định số 30/2020/QĐ-UBND ngày 14/8/2020 của UBND tỉnh về Quy chế quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ và quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư tại một số cơ quan, đơn vị còn chưa tốt; còn tình trạng cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ còn mang tính hình thức.

Để tăng cường hơn nữa việc quản lý, sử dụng CKS trong các giao dịch điện tử trên địa bàn tỉnh, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của CQNN các cấp; ngày 21/10/2022, UBND tỉnh có Công văn số 4587/UBND-KTTH về việc đẩy mạnh quản lý, triển khai sử dụng CKS chuyên dùng tại các CQNN trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các tổ chức, cơ quan, đơn vị gương mẫu thực hiện ký số trực tiếp vào văn bản điện tử theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư; nghiêm túc và quyết liệt chỉ đạo các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý phải sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ trong các giao dịch điện tử phục vụ việc quản lý, điều hành, xử lý công việc và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, bố trí nhân sự quản lý CKS của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền, phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trong việc quản lý CKS của cơ quan mình và các đơn vị trực thuộc theo quy định; kịp thời đề nghị cấp mới CKS chuyên dùng Chính phủ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu trong các giao dịch điện tử; đề nghị thu hồi CKS đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không còn trách nhiệm sử dụng theo thẩm quyền, tránh làm thất lạc, lãng phí tài sản nhà nước. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá; kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, kiểm điểm các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền không nghiêm túc trong việc quản lý, sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ.

Sở TT&TT tổ chức triển khai thực hiện trách nhiệm quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thư số chuyên dùng Chính phủ trong các CQNN trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ trong các CQNN và các tổ chức thuộc UBND tỉnh; chủ động đề xuất, tham mưu các giải pháp nhằm tăng cường việc quản lý, sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ trong phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc, dịch vụ công trực tuyến và các loại hình giao dịch điện tử khác do tỉnh triển khai.

UBND tỉnh cũng giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở TT&TT tăng cường rà soát, kiểm tra việc ứng dụng CKS trong cải cách hành chính; tham mưu UBND tỉnh chấn chỉnh, nhắc nhở, kiểm điểm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không nghiêm túc thực hiện việc sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ; đồng thời đề xuất khen thưởng các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt việc sử dụng CKS trong quản lý, điều hành, xử lý công việc, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch điện tử khác.