Triển khai giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Nhờ thực hiện hiệu quả các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số (DS) theo chỉ đạo của trung ương và tỉnh, những năm qua, công tác DS trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, bình quân giai đoạn 2015-2021 DS tăng 2.954 người/năm; tuổi thọ bình quân tăng từ 72,8 tuổi năm 2016 lên 73,14 tuổi năm 2021; tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 16,4‰ năm 2015 xuống còn 15,2‰ năm 2021.

Các mô hình, đề án nâng cao chất lượng DS được triển khai đã giúp người dân có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Sau khi đạt mức sinh thay thế trên địa bàn toàn tỉnh năm 2018 và duy trì đến năm 2020, nhưng đến năm 2021 mức sinh có xu hướng tăng trở lại (tổng tỷ suất sinh - số con trung bình của một phụ nữ suốt thời kỳ sinh đẻ năm 2018 là 2,05 con/phụ nữ, đến năm 2021 tăng lên 2,36 con/phụ nữ, trong khi đó tỷ lệ này của cả nước là 2,11 con/phụ nữ); chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh còn thấp đứng thứ 51/63 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, dân cư tỉnh ta phân bố không đồng đều và có sự khác biệt rất lớn giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi. Diện tích Tp. Phan Rang - Tháp Chàm chỉ chiếm 2,36% diện tích của toàn tỉnh, nhưng dân số chiếm tới 28,32% toàn tỉnh. Trong khi đó, huyện miền núi Bác Ái diện tích chiếm tới 30,45% diện tích của toàn tỉnh, nhưng chỉ có 5,25% DS toàn tỉnh. Mật độ DS ở các địa phương cũng có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng, cao nhất là Tp. Phan Rang - Tháp Chàm có 2.132 người/km2, trong khi đó huyện miền núi Bác Ái chỉ có 31 người/km2, tức là hơn 69 lần. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của tỉnh năm 2021 đạt 18,8%, tăng 3,2% so với năm 2015, nhưng vẫn thấp hơn bình quân cả nước (26,1%) và khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (25,8%).

Diện tích Tp. Phan Rang - Tháp Chàm chỉ chiếm 2,36% diện tích của toàn tỉnh, nhưng dân số chiếm tới 28,32% toàn tỉnh. Ảnh: Phan Bình

Để thực hiện các giải pháp phát triển DS khoa học, hợp lý nhằm khắc phục hạn chế diện tích rộng nhưng mật độ dân cư thấp và phát triển nguồn lực con người phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) lâu dài theo ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 171/TB-VPCP ngày 8/6/2022 của Văn phòng Chính phủ và Kế hoạch số 153-KH/TU ngày 18/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận. Ngày 7/10/2022, đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký thay Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 4347/UBND-VXNV gửi các sở, ban, ngành; các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố về việc triển khai giải pháp nâng cao chất lượng DS, phát triển nguồn lực con người phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH lâu dài.

Với tinh thần khẩn trương triển khai thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo Kế hoạch số 94-KH/TU ngày 21/2/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Kế hoạch số 1383/KH-UBND ngày 6/4/2018 của UBND tỉnh về việc triển khai Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ và Kế hoạch số 1524/KH-UBND ngày 29/4/2020 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chiến lược DS Việt Nam đến năm 2030 của tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020-2025. Thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các yếu tố DS vào kế hoạch, chương trình, dự án phát triển KT-XH của ngành, lĩnh vực; theo dõi, giám sát, đánh giá và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện lồng ghép các yếu tố DS vào kế hoạch, chương trình, dự án phát triển KT-XH theo quy định.

Về nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan lồng ghép các yếu tố DS, bao gồm cả quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng DS vào quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển KT-XH của tỉnh. Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển KT-XH, khu công nghiệp của tỉnh phù hợp với hiện trạng và xu hướng vận động của các yếu tố DS, bảo đảm phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh của từng vùng; tiếp tục đề xuất các chính sách để tác động tới sự phân bố lại DS hợp lý từng địa bàn trên phạm vi toàn tỉnh.

Giờ ăn trưa của các cháu Trường Mẫu giáo Phước Trung (Bác Ái). Ảnh: K.Hân

Giao các đơn vị: Sở Y tế phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện lồng ghép các yếu tố DS vào kế hoạch, chương trình, dự án phát triển KT-XH của ngành Y tế. Triển khai hệ thống chỉ tiêu, chỉ báo về DS và sức khỏe; cung cấp thông tin thống kê về DS và sức khỏe theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện lồng ghép các yếu tố DS vào kế hoạch, chương trình, dự án phát triển KT-XH của ngành Y tế. Định kỳ báo cáo, tổ chức sơ kết và tổng kết đánh giá kết quả thực hiện theo quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chính sách về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện; lồng ghép vào các chương trình, dự án để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người di cư ổn định cuộc sống. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, đề xuất bổ sung các chương trình, dự án, chính sách bố trí dân cư nhằm hỗ trợ phù hợp, thu hút, tạo điều kiện cho người dân sinh sống ổn định, lâu dài tại vùng đặc biệt khó khăn, khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh.

Đối với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện lồng ghép các yếu tố DS vào kế hoạch, chương trình, dự án phát triển KT-XH tại địa phương. Theo dõi, giám sát, đánh giá và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện lồng ghép các yếu tố DS vào chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển KT-XH theo quy định. Định kỳ cuối năm, các sở, ngành, đơn vị, địa phương có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện (thông qua Sở Y tế) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.