Cầm trên tay quyết định vừa được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, ông Lai Lầu phấn khởi chia sẻ: Tôi rất vui mừng khi được Nhà nước ghi nhận khả năng đóng góp của bản thân đối với quê hương, đất nước trong việc tích cực tham gia gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm tỉnh nhà. Đây là phần thưởng cao quý động viên tôi nỗ lực tiếp tục truyền dạy biểu diễn nhạc cụ dân tộc Chăm và tích cực tham gia thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Tự tay pha ấm trà ngon mời khách, Nghệ nhân ưu tú Lai Lầu giãi bày chi tiết nét độc đáo các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Chăm, đặc biệt là chiếc trống Ghi năng gắn bó suốt cuộc đời ông. Từ năm lên 10 tuổi, ông đã mê đánh trống Ghi năng nhưng các nghệ nhân cao niên trong làng chê còn “con nít” chưa chịu bày dạy cho ông. Vì lòng đam mê tiếng trống Ghi năng nên mỗi khi trong làng tổ chức lễ hội là ông bám theo ngồi nghe các nghệ nhân chơi đàn, chơi trống. Nghe riết rồi nhập tâm nhịp điệu, bài bản của chiếc trống Ghi năng. Chờ các nghệ nhân nghỉ tay là ông xáp vô tập đánh trống theo các thanh âm “lèn, tịt, tìn, tớ”. Đây là 4 thang âm chính của trống Ghi năng được ký hiệu dấu tròn, dấu chấm, nét sổ đứng và nét ngang. Học trò theo “ký hiệu” của ông thầy để luyện tập thành thục các bài nhạc lễ dân gian Chăm.
Năm 16 tuổi, anh thanh niên Lai Lầu có thể biểu diễn “solo” các bài bản gốc của trống Ghi năng và làm nhạc công phục vụ chương trình văn nghệ thôn, xóm. Sau này nhờ có nghệ nhân Lai Xuân Điểm truyền dạy những bài khó như: Nền thèn, Nền thá, Prùn hó, Prùn tha cài và hướng dẫn đường đi nước bước của từng loại nhạc cụ hòa điệu trong các lễ hội. Riêng trống Ghi năng có tới 50 bài đánh căn bản do ông bà xưa truyền lại, sau này phát triển lên trên 75 bài. Tùy theo tài năng mỗi nghệ sĩ biểu diễn biến tấu sao cho có hồn, thu hút lòng người. Tấm lòng người đánh có thanh thản rộng mở thì tiếng trống mới trong sáng, rộn ràng. Một sáng đầu tháng 10, trước hiên nhà ở giữa làng Bỉnh Nghĩa, chúng tôi bị thu hút khi nghe tiếng trống Ghi năng khỏe khoắn tài hoa của Nghệ nhân ưu tú Lai Lầu. Hơn 70 tuổi đời, ông đã có 60 năm đam mê gắn bó với nghề biểu diễn và chế tác trống Ghi năng. Đồng thời dốc lòng truyền dạy cho nhiều thanh niên ở các huyện Ninh Hải, Thuận Bắc biểu diễn trống Ghi năng. Trong đó có nhiều người đam mê trở thành nhạc công tiêu biểu như các anh Thuận Ngọc Vũ Linh, Thuận Ngọc Hòa, Lai Văn Nấm...
Nghệ nhân ưu tú Lai Lầu cho biết thêm, nghề làm trống đòi hỏi sự tỉ mẩn và say nghề của người thợ. Hồi trước, ông bà mình làm thân trống Ghi năng bằng gỗ lim, gỗ hương. Bây giờ hết gỗ quý mình đành phải làm bằng gỗ cây keo gai, cây cốc, cây sơn đá. Kiếm được các loài cây làm trống có đường kính khoảng 30 cm, dài 80 cm là mình đem về ngồi kiên trì đục cho rỗng ruột. Hai đầu bịt da trâu tơ căng mặt trống cũng bằng 16 sợi dây da trâu rồi dùng chốt tre đóng chặn giằng mối cho chắc. Thân trống có kín, mặt trống có căng thì tiếng trống mới vang xa, ấm áp. Ông phải mất cả tháng trời mới làm xong bộ trống Ghi năng. Sau khi cân chỉnh âm thanh bán cho bà con các địa phương và các đơn vị đặt mua hiện nay với giá trung bình 12-15 triệu đồng/bộ.
Anh Thành Tiểu Phi Học, Trưởng thôn Bỉnh Nghĩa ghi nhận: Ông Lai Lầu là người cao tuổi nêu gương sáng mẫu mực cho con cháu noi theo. Đồng thời ông là nghệ nhân xuất sắc tận tâm truyền dạy cho nhiều thanh niên trong làng biểu diễn thành thục trống Ghi năng phục vụ đời sống tinh thần cho bà con thôn, xóm. Cán bộ và nhân dân thôn Bỉnh Nghĩa phấn khởi khi ông Lai Lầu được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Đây cũng là niềm vinh dự của người dân làng Chăm Bỉnh Nghĩa trong dịp đón mừng Lễ hội Katê năm 2022.
Sơn Ngọc