Tăng cường kiểm toán môi trường, vì sự phát triển bền vững

Bảo vệ môi trường không chỉ là mục tiêu mà còn là trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

 Thời gian qua, Kiểm toán nhà nước đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán môi trường tại các địa phương, ghi nhận kết quả nổi bật, đồng thời chỉ ra những bất cập và đưa ra kiến nghị phù hợp, kịp thời…

Khu vực Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa: Thế Anh/TTXVN

Nhiều hạn chế trong xử lý rác thải

Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, củng cố năng lực quản lý, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là phát huy mạnh mẽ vai trò của kiểm toán môi trường. Thời gian qua, Kiểm toán nhà nước đã chú trọng và triển khai nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động lĩnh vực môi trường.

Giai đoạn 2015-2023, Kiểm toán nhà nước đã thực hiện 12 cuộc kiểm toán về công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện, làng nghề; chất thải y tế, phế liệu nhập khẩu; quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công… Ngoài ra, còn có trên 30 cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ có lồng ghép các nội dung về môi trường.

Năm 2024, Kiểm toán nhà nước triển khai cuộc kiểm toán chuyên đề toàn ngành “Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023” tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và 12 tỉnh, thành phố. Kết quả kiểm toán cho thấy, các Bộ, ngành được giao chủ trì, phối hợp vẫn chưa hoàn thành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật để thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Công tác phối hợp của các Bộ, ngành với Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đầy đủ dẫn đến việc xây dựng, ban hành văn bản chưa kịp thời.

Tại các địa phương được kiểm toán, Kiểm toán nhà nước chỉ ra nhiều bất cập, chậm trễ trong ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; chưa sử dụng toàn bộ nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản để hỗ trợ nhiệm vụ bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương; cấp phát kinh phí bằng hình thức lệnh chi tiền trả kinh phí cho nhà thầu thực hiện hợp đồng dịch vụ bảo vệ môi trường không đúng quy định.

Theo ông Đoàn Quốc Hưng - Kiểm toán nhà nước khu vực IX, kết quả kiểm toán tại An Giang, Đồng Tháp cho thấy, cơ quan tài chính chưa xem xét đến việc thẩm định, bố trí dự toán kinh phí cụ thể thực hiện các nội dung, chỉ tiêu đề ra trong các kế hoạch, chương trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu có liên quan đến giai đoạn 2021-2023 do UBND cấp tỉnh, cấp huyện ban hành.

Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố được kiểm toán chưa phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; áp dụng đơn giá xử lý nước thải (nước rỉ rác), chưa phù hợp đơn giá của UBND tỉnh, dẫn đến thanh toán vượt định mức về đơn giá…

Những sai sót này một phần nguyên nhân đến từ đơn vị sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường, nhưng cũng có một số trường hợp do cơ chế, chính sách quản lý chưa rõ ràng, kịp thời. Từ các phát hiện chỉ ra, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện 16 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 7 văn bản luật và 5 văn bản thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Quan trọng hơn, từ kết luận, kiến nghị kiểm toán, các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, đơn vị đã thay đổi quan điểm, nhận thức và cách triển khai nhiệm vụ về môi trường.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách

Theo Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II Nguyễn Thanh Hà, các vấn đề liên quan tới môi trường và biến đổi khí hậu mang tính chất phức tạp, liên ngành, liên lĩnh vực và ảnh hưởng đến nhiều đối tượng dễ bị tổn thương và sự phát triển bền vững của quốc gia. Thời gian tới, Kiểm toán nhà nước sẽ tiếp tục triển khai chuyên đề kiểm toán này trên phạm vi toàn ngành tại các địa phương khác. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của vấn đề môi trường, trong quá trình triển khai kiểm toán, các Đoàn kiểm toán phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ giai đoạn xây dựng kế hoạch kiểm toán đến khi triển khai và lập báo cáo kiểm toán.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Anh - Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III cho biết, Kiểm toán nhà nước phải cam kết về việc thực hiện kiểm toán chủ đề đánh giá hành động của Chính phủ đối với ứng phó biến đổi khí hậu. Trong khi đó, các hành động của Chính phủ chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án và liên tục điều chỉnh phù hợp với bối cảnh quốc gia và cam kết quốc tế. Vì vậy, việc lựa chọn chủ đề kiểm toán phải nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng.

Để quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, Kiểm toán nhà nước cần tăng cường kiểm toán môi trường, biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững, chú trọng việc phát hiện các bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị hoàn thiện. Từ đó, nâng cao kiến thức cũng như kinh nghiệm của kiểm toán viên trong lĩnh vực này, làm cơ sở cho việc khai thác, khảo sát thông tin.

Mặt khác, chủ đề kiểm toán cần chuyên sâu theo từng lĩnh vực, hướng tới kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí bảo vệ môi trường. Kinh nghiệm từ cuộc kiểm toán đã triển khai cho thấy, việc tham khảo ý kiến các chuyên gia để đưa ra phương hướng, phương pháp kiểm toán phù hợp là rất cần thiết.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả trong thu thập, khảo sát thông tin cũng như giảm áp lực về thời gian kiểm toán; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm toán môi trường và các vấn đề, cơ chế, chính sách hiện hành để làm cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc lựa chọn chủ đề kiểm toán và xây dựng tiêu chí kiểm toán.

Theo baotintuc.vn