Bác Ái: Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục

Thời gian qua, được sự quan tâm của các ngành, các cấp; sự phối hợp của các đoàn thể, chính quyền địa phương, sự phấn đấu của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các trường; công tác phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ (XMC) trên địa bàn huyện Bác Ái đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo nền tảng quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.

Bác Ái là huyện miền núi, toàn huyện có 9 xã, 38 thôn, dân số trên 31.500 người, trong đó dân tộc Raglai chiếm 96%. Trong những năm gần đây, nền kinh tế của huyện có những chuyển biến tích cực, cùng với đó, văn hóa - xã hội nói chung và giáo dục nói riêng cũng có những chuyển biến rất tích cực cả về quy mô và chất lượng. Sự nghiệp giáo dục luôn được quan tâm, chăm lo phát triển đồng bộ cả về số lượng cũng như chất lượng. Hệ thống trường lớp từng bước được kiên cố hóa ở các cấp học. Đối chiếu với các tiêu chuẩn về quy định kiểm tra, đánh giá và công nhận PCGD tiểu học theo Nghị định số 20/2014/NĐ-CP, năm 2021 huyện Bác Ái đạt chuẩn PCGD cho trẻ mầm non 5 tuổi; đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2; đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1; huyện đạt chuẩn XMC mức độ 1. Thầy giáo Đặng Ngọc Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Bác Ái cho biết, để củng cố và phát huy hiệu quả công tác PCGD, XMC trên địa bàn huyện, ngay sau khi có Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 22/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác PCGD, XMC và phân luồng học sinh (HS) sau THCS giai đoạn 2022-2030, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ thị, nghị quyết về công tác PCGD, XMC. Ban hành các chương trình hành động để thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp các tổ chức, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền về vai trò và ý nghĩa của công tác PCGD, XMC. Đồng thời, UBND các xã quan tâm củng cố hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện cho phong trào học tập thường xuyên cho cán bộ và Nhân dân, góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện.

Giờ lên lớp của giáo viên và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lê Lợi.

Nhận thức được vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCGD, XMC và phân luồng HS sau THCS, thời gian qua, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lê Lợi ở xã Phước Thắng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức; phối hợp với các đoàn thể địa phương kịp thời vận động HS ra lớp, chú trọng công tác xã hội hóa giáo dục, hỗ trợ cho những HS có nguy cơ bỏ học. Cùng với đó, Ban Giám hiệu nhà trường tiếp tục đẩy mạnh việc phân luồng cho HS sau tốt nghiệp THCS tham gia học nghề đúng hướng, thực chất, với nhiều hình thức, phương pháp linh hoạt phù hợp với lứa tuổi HS. Cô giáo Nguyễn Thụy Thanh Hiền, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Để giữ vững kết quả PCGD, hằng năm, trước khi bước vào năm học mới, nhà trường tổ chức rà soát trẻ trong độ tuổi đến trường trên địa bàn xã; phân công giáo viên phụ trách đến từng nhà tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa con ra lớp đúng độ tuổi. Nhờ vậy, hằng năm tỷ lệ ra lớp 6 của trường đạt 100%. Riêng HS lớp 9, Ban Giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm thường xuyên lồng ghép chương trình giáo dục định hướng nghề nghiệp vào các buổi học chính khóa và sinh hoạt ngoại khóa theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, nhà trường cũng định hướng cho các em học nghề ở những trường nghề trên địa bàn phù hợp năng lực, sở thích, sức khỏe để sau này các em có công việc nuôi sống bản thân và gia đình.

Trong thời gian tới, huyện Bác Ái tiếp tục củng cố, duy trì và phát huy kết quả đạt được của công tác PCGD, XMC, hạn chế việc HS lưu ban bỏ học giữa chừng, nâng tỷ lệ các tiêu chuẩn của công tác phổ cập mang tính bền vững. Làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân địa phương nhằm huy động 100% trẻ 6 tuổi trên địa bàn huyện vào học lớp 1 năm học 2022-2023 và huy động tối đa trẻ trong độ tuổi đến trường. Chú trọng xây dựng tốt phong trào xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; gắn công tác PCGD, XMC với nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.