Ngành Giáo dục và Đào tạo: Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học

Để đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo từng bước ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy, học, quản trị nhà trường... Qua đó, từng bước thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận giáo dục, được học tập, nâng cao trình độ dân trí liên tục và suốt đời.

Năm học 2021-2022, dịch COVID-19 bùng phát mạnh khiến nhiều trường học trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung phải cho học sinh (HS) tạm dừng đến trường trong thời gian dài. Để thực hiện được mục tiêu “Tạm dừng đến trường, không tạm dừng việc học”, các giải pháp số thời điểm này trở thành hướng đi bắt buộc được các trường triển khai linh hoạt nhằm duy trì hoạt động dạy, học an toàn, bảo đảm chương trình, mục tiêu, chất lượng giáo dục ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Đi đôi với dạy, học trực tuyến, ngành GD&ĐT tổ chức dạy học trên truyền hình 2 môn Văn, Toán cho HS lớp 3, lớp 4 và lớp 5 khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non (MN) tại nhà thông qua các video bài giảng trên Zalo nhóm, lớp, trang Facebook, website của trường; gửi video bài giảng trực tuyến về Bộ GD&ĐT và tích cực hưởng ứng Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử, góp phần xây dựng kho học liệu số ngành GD&ĐT phong phú, có chất lượng.

Cô và trò Trường Tiểu học Bảo An 2 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) ứng dụng công nghệ thông tin trong giờ học môn Tập đọc.

Năm học 2022-2023, nhờ kiểm soát tốt dịch COVID-19, HS được đến trường học tập trực tiếp. Để nâng cao chất lượng giáo dục, cán bộ, giáo viên (CBGV), nhất là các trường thuận lợi về hạ tầng CNTT tiếp tục dành thời gian, tâm huyết tìm kiếm tư liệu, xây dựng bài giảng điện tử tích hợp nhiều hình ảnh, video, đồ họa, âm thanh, văn bản... kết nối từ máy tính cá nhân sang màn hình tivi trên lớp học để hỗ trợ việc giảng dạy. Cách làm này giúp cán bộ, giáo viên tạo nên những tiết dạy sinh động, dễ hiểu, thu hút HS đến trường. Em Trần Đức Minh Quân, HS lớp 5A, Trường Tiểu học Bảo An 2 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), chia sẻ: Em và các bạn rất thích khi được tham gia các tiết học cô giáo có ứng dụng CNTT trong giảng dạy, bởi bên cạnh kiến thức từ sách vở, việc ứng dụng CNTT giúp chúng em được xem nhiều hình ảnh minh họa sinh động, những phim tư liệu liên quan đến nội dung bài học. Ngoài ra, cô giáo còn tổ chức hình thức học tập thông qua các trò chơi giúp chúng em dễ hiểu bài, nhớ lâu. Cô giáo Nguyễn Thị Thịnh, giáo viên lớp 5A, chia sẻ: Từ kinh nghiệm dạy học trực tuyến và được sự giúp đỡ của đồng nghiệp, “tay nghề” soạn bài giảng điện tử của chúng tôi được nâng lên khá nhiều. Từ học kỳ II, năm học 2021-2022 đến nay, nhờ được trang bị tivi thông minh, tôi tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu xây dựng bài giảng điện tử phục vụ việc dạy học ở tất cả các môn. Việc làm này tuy tốn nhiều thời gian, công sức, song hiệu quả mang lại rất thiết thực. Nhờ những thông tin bổ trợ được chiếu trên màn hình tivi, giáo viên tiết kiệm được thời gian viết bảng nên bao quát lớp tốt hơn, dành được nhiều thời gian cho những em tiếp thu chậm. Các hình ảnh trực quan không những giúp HS hào hứng tham gia lớp học, mà còn tiếp thu bài nhanh và ghi nhớ lâu hơn. Mặt khác, các bài giảng điện tử được thiết kế trên máy tính nên cũng dễ dàng chỉnh sửa, cập nhật thông tin đảm bảo phù hợp, hấp dẫn và hiệu quả.

Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành GD&ĐT. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, ngành GD&ĐT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 393/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch CĐS, ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Triển khai Quyết định này, đến nay, ngành GD&ĐT đã hoàn thành thiết kế Hệ chương trình quản lý giáo dục tỉnh Ninh Thuận, tên truy cập là http://qlgd.ninhthuan.edu.vn, chạy trực tiếp trên máy chủ của tỉnh đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông. Đây là nền tảng số cơ bản để chuyển sang CĐS. Các phân hệ đã được phát triển và ứng dụng, gồm: Phân hệ quản lý thi tuyển sinh 10 (đã được ứng dụng tuyển sinh trong năm học 2021-2022); phân hệ tuyển sinh và nhập học trực tuyến từ cấp MN đến phổ thông (ứng dụng từ tháng 8-2022, phục vụ cho năm học 2022-2023); phân hệ thu học phí không dùng tiền mặt; nền tảng dạy học trực tuyến đã được tích hợp trong Hệ chương trình quản lý giáo dục của tỉnh. Các phần mềm ứng dụng cho từng công việc quản lý và dạy học được mua và cấp bằng tài khoản, như: Phần mềm quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ và tra cứu văn bằng, chứng chỉ; phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục; phần mềm thiết kế và xây dựng ngân hàng đề kiểm tra phục vụ cho công tác kiểm tra đánh giá và tích lũy đề để hình thành ngân hàng đề thi, đề kiểm tra... Ngành cũng hoàn thành việc cập nhật dữ liệu 306 cơ sở giáo dục, 145.000 hồ sơ HS và 9.503 hồ sơ CBGV, nhân viên và triển khai cấp tài khoản cho người dùng là CBGV, nhân viên 9.503 tài khoản tham gia vào hệ chương trình quản lý giáo dục; mở 12 lớp tập huấn với 1.200 lượt CBGV, nhân viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sử dụng các nền tảng và chương trình ứng dụng CĐS.

Tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS, hiện nay, ngành GD&ĐT đang triển khai việc cung cấp tài khoản cho phụ huynh để tra cứu, theo dõi, phối hợp với nhà trường trong giáo dục HS thông qua sổ liên lạc điện tử, học bạ điện tử được chạy trên nền tảng App Mobile không tốn phí, ước tính khoảng 200.000 tài khoản; tích hợp toàn bộ chương trình quản lý và dạy học đang chạy độc lập vào Hệ chương trình quản lý giáo dục của tỉnh; triển khai phân hệ tuyển sinh và nhập học trực tuyến từ cấp MN đến phổ thông, đặc biệt đối với trẻ MN và trẻ 6 tuổi vào lớp 1; triển khai phân hệ thu học phí và các khoản khác (bảo hiểm y tế) đối với người học trong nhà trường “không dùng tiền mặt” thông qua ID của HS nhằm giúp phụ huynh tiết kiệm thời gian đến cơ sở giáo dục để giao dịch và công khai toàn bộ các khoản thu của nhà trường. Cùng với đó, Sở GD&ĐT xây dựng đề án phối hợp với ngành Công an, Y tế kết nối, chia sẻ, quản lý dữ liệu công dân và theo dõi sức khỏe HS; tích cực huy động mọi nguồn lực xã hội thúc đẩy nhanh tiến trình CĐS trong lĩnh vực giáo dục... Qua đó, góp phần thực hiệu hiệu quả mục tiêu xây dựng ngành Giáo dục tỉnh nhà hiện đại, chất lượng, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ xã hội và hội nhập.