Hội nghị đã thông qua báo cáo đánh giá khái quát tình hình triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban TVQH năm 2022 và triển khai các nội dung thuộc Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban TVQH năm 2023. Theo đó, trong năm 2023, Quốc hội và Ủy ban TVQH sẽ tiến hành giám sát 4 chuyên đề. Trong đó, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Ủy ban TVQH giám sát 2 chuyên đề: “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra các kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều hòa, phối hợp hoạt động tiến hành giám sát; xác định đúng nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát, chỉ rõ trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân; đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì tiến hành giám sát trong việc xây dựng kế hoạch, bảo đảm chất lượng các kết luận và báo cáo kết quả giám sát...
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2022. Đặc biệt, lĩnh vực chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng được nâng cao về chất lượng, sát với thực tế và mong mỏi của cử tri. Việc thực hiện các chuyên đề giám sát mang lại giá trị thực tiễn, tác động tích cực đến xã hội. Để triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban TVQH năm 2023, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn ĐBQH, các cơ quan, tổ chức hữu quan quan tâm thực hiện tốt các giải pháp đã nêu trong báo cáo. Đồng thời, nhấn mạnh tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường đối của Đảng, đặc biệt là yêu cầu tại Văn kiện Đại hội lần thứ XIII về “Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội”, xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Triển khai Kết luận số 843 của Đảng đoàn Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, sớm rà soát, tổng kết, đánh giá và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về hoạt động giám sát, đặc biệt là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND để phù hợp với yêu cầu kiểm soát quyền lực trong tình hình mới...
Lê Thi