Chủ động ứng phó với bão Noru

Chiều 25/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với 16 tỉnh, thành phố ven biển về công tác triển khai ứng phó với bão Noru. Tại điểm cầu tỉnh ta, đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự họp.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm ngày 25/9, bão Noru sẽ đi vào Biển Đông với sức gió cấp 9-10, giật cấp 13 và có xu hướng mạnh thêm; đến ngày 27/9 và sáng ngày 28/9, bão đổ bộ khu vực miền Trung với sức gió vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Do ảnh hưởng của bão, từ trưa và chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9; ngoài ra, khu vực Bắc Trung Bộ hiện đã có mưa lớn từ 100-200 mm và còn tiếp tục mưa trong những ngày tới. Tại khu vực biển tỉnh Ninh Thuận trong 24 giờ tới, có mưa rào và dông, sức gió giật mạnh cấp 7-8; đồng thời, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Tây Nam của cơn bão Noru, trên khu vực đất liền tiếp tục mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi.

Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự họp tại điểm cầu tỉnh ta.

Tại tỉnh ta, để chủ động ứng phó, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc công điện của cấp trên; thường xuyên, theo dõi, cập nhật diễn biến của bão, hướng dẫn phương tiện tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Đến thời điểm hiện tại, tổng số tàu thuyền đã neo đậu an toàn tại các bến, cảng trong tỉnh là 1.834 chiếc/10.143 lao động; tổ chức gia cố bè nuôi trồng thủy sản 327 bè/470 lao động; xây dựng, chuẩn bị sẵn sàng các phương án di dời dân ở khu vực ven sông suối, vùng hạ lưu, khu vực ven biển và các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị các bộ, ngành và địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Trong đó, quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm theo dõi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại bến, cảng; sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các đảo, lồng bè nuôi trồng thủy sản và các công trình đang thi công trên biển, ven biển. Chủ động triển khai, bố trí lực lượng xung kích di dời, sơ tán dân kịp thời khi có tình huống xảy ra; chú trọng bảo vệ an toàn hồ, đập, đê, điều, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường chính; chỉ đạo thu hoạch nhanh chóng cây trồng, vùng nuôi thủy sản. Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường hoạt động tuyên truyền kịp thời, diễn biến của bão và phổ biến kỹ năng ứng phó với bão, mưa, lũ để người dân nắm bắt, chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.