Hiệu quả sau một năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU về cải cách hành chính

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và Quyết định số 681/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch CCHC nhà nước tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện CCHC trên địa bàn tỉnh năm 2022.

Qua giám sát, cho thấy, công tác CCHC ở các sở, ngành và địa phương tiếp tục được quan tâm và đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát triến kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo kết quả giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tại một số sở, ngành, cho thấy các hoạt động triển khai CCHC tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Việc thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” cũng được các sở, ngành, địa phương tuyên truyền và thực hiện rộng rãi bằng nhiều hình thức như: Niêm yết công khai nội dung, quy trình, thời gian giải quyết, nghĩa vụ và quyền lợi... tại trụ sở cũng như trên website của cơ quan, đơn vị. Các TTHC được công khai rõ ràng, đầy đủ, giúp cho tổ chức, công dân hiểu rõ các thủ tục cần thiết và hồ sơ (HS) cần phải thực hiện, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc tra cứu, theo dõi, thực hiện TTHC được dễ dàng hơn. Mặt khác còn giúp cho tổ chức, công dân giám sát được các cơ quan và công chức nhà nước trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Công chức bộ phận “một cửa” xã Tân Hải (Ninh Hải) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Văn MIên

Điểm nổi bật được ghi nhận, đó là công tác tuyên truyền về CCHC được cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành và cả hệ thống chính trị quan tâm đẩy mạnh thực hiện, với nhiều hình thức tuyên truyền như: Triển khai phổ biến, quán triệt tại các hội nghị, cuộc họp giao ban định kỳ, buổi sinh hoạt Ngày Pháp luật đầu tháng, trên trang thông tin điện tử, hệ thống Đài truyền thanh... Các ngành, địa phương đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc đăng tải các nội dung liên quan đến các hoạt động tại chuyên mục CCHC trên trang thông tin điện tử các sở, ngành, địa phương, tạo nhóm Zalo nhằm kết nối, chia sẻ thông tin và triển khai kịp thời, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, qua đó, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực thi công vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương, trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống chính trị. Đặc biệt tạo chuyển biến rõ nét về hiểu biết, nhận thức và sự đồng thuận, đồng hành của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu và tác động của CCHC, từ đó góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngoài ra, công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC luôn được các sở, ngành và địa phương quan tâm thực hiện thường xuyên, đã rút ngắn thời gian giải quyết, tinh gọn TTHC. Từ kết quả giám sát, cho thấy tại UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, từ 324 TTHC (đầu năm 2021) xuống còn 274 TTHC, giảm 50 TTHC, đạt 15,4%; cấp phường, xã, từ 147 TTHC xuống còn 108 TTHC, giảm 39 THHC, đạt 26,5% (vượt chỉ tiêu 6,5%). Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động rà soát cắt giảm thời gian giải quyết các TTHC. Theo đó, lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp giảm 50% thời gian giải quyết; lĩnh vực đầu tư giảm thời gian xử lý tối thiểu 10%; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh giảm 30% thời gian xử lý; lĩnh vực xây dựng cơ bản có 1 TTHC về “Thủ tục thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu” giảm 3 ngày (từ 18 ngày còn 15 ngày), qua đó góp phần giảm đáng kể thời gian thực hiện TTHC cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc niêm yết công khai minh bạch, kiểm soát chặt chẽ các TTHC gắn với đơn giản hóa TTHC đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi đến liên hệ công việc. Qua giám sát, cho thấy việc giải quyết các TTHC trên các lĩnh vực theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, tại các sở, ngành, địa phương có chuyển biến tích cực. Tại UBND huyện Thuận Nam, bộ phận “một cửa” đã tiếp nhận và giải quyết 6.266 HS, trong đó giải quyết trước hẹn 3.877 HS, đúng hẹn 2.261 HS, đang giải quyết 128 HS, không có HS trễ hẹn; cấp xã tiếp nhận và giải quyết 7.062 HS, giải quyết đúng hẹn 7.060 HS, đang giải quyết trong hạn 2 HS. Tại UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, cấp thành phố tiếp nhận và giải quyết 10.648 HS (1.460 HS trước hạn, 9.069 HS đúng hạn, 119 HS trong hạn); cấp phường, xã 69.236 HS (505 HS trước hạn, 68.726 HS đúng hạn, 5 HS trong hạn). Tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, về lĩnh vực đầu tư các thành phần kinh tế, đã tiếp nhận 132 HS, xử lý 93 HS đúng hẹn và đang trong thời gian giải quyết 39 HS, không có HS trễ hẹn; về lĩnh vực đăng ký kinh doanh đã tiếp nhận và giải quyết 1.920 lượt HS đăng ký, đã giải quyết sớm và đúng hẹn đạt 100%... qua đó, tạo được sự hài lòng của công dân, tổ chức khi đến giao dịch, thời gian giải quyết TTHC được rút ngắn, số lượng công việc được giải quyết tăng hơn so với trước đây.

Tuy nhiên qua giám sát cho thấy, việc thực hiện CCHC tại một số sở, ngành, địa phương vẫn còn những hạn chế, cần có biện pháp khắc phục như: Việc thực hiện cơ chế “một cửa”, giải quyết các TTHC tuy có bước chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, giải quyết một số HS, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp; vẫn còn trễ hẹn, tồn đọng, nhất là trên lĩnh vực đất đai, xây dựng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CCHC có nơi, có lúc chưa kịp thời và đồng bộ, cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị tại một số cơ quan, đơn vị và địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; công tác số hóa, giải quyết HS, TTHC trên môi trường mạng; mức độ 3, 4 chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Việc triển khai tiếp nhận HS và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích còn gặp khó khăn vì đây là dịch vụ còn mới mẻ, nên các cá nhân, tổ chức chưa tiếp cận nhiều; chưa thực hiện nộp HS trực tuyến, chủ yếu đến nộp trực tiếp.

Để thực hiện hiệu quả công tác CCHC trong thời gian đến, cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền như: Quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC. Cần nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng, thẩm định và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là bảo đảm tính khả thi và tính hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời rà soát, phát hiện đề xuất sửa đổi, bổ sung TTHC không còn phù hợp với quy định pháp luật; loại bỏ các TTHC không cần thiết và rút ngắn thời gian, quy trình, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thời gian theo quy định, bảo đảm thực hiện tốt chủ trương thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.