Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Báo cáo của Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy tại buổi làm việc cho thấy, trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Yên Bái đã đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, khắc phục khó khăn, thử thách, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận trên các mặt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Yên Bái. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo đó, GRDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7,57%, cao nhất trong 5 năm gần đây; thu ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2022 đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng 20,2% cùng kỳ; phát triển nông nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 5,44%, gấp 2 lần bình quân chung cả nước, theo hướng tập trung quy mô lớn, chuyển từ số lượng sang chất lượng, giá trị; có 58,7% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 11,3% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khá; 8 tháng năm 2022 tăng 10,52%, cao hơn mức bình quân chung cả nước là 9,4%.
Cùng với đó, thương mại, dịch vụ, du lịch phục hồi, tăng trưởng nhanh, 8 tháng năm 2022 đón gần 1,1 triệu lượt khách, gấp 2,03 cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm tăng 10,55% so với cùng kỳ năm 2021; tổng vốn đầu tư phát triển 8 tháng đạt hơn 11,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm; nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được triển khai hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế-xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2021 giảm 2,28%.
Tỉnh Yên Bái giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của cấp đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Để tỉnh phát triển nhanh, bền vững hơn, Yên Bái đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét cho phép tỉnh Yên Bái được thực hiện quy trình lựa chọn, chỉ định nhà đầu tư chiến lược thực hiện đầu tư dự án Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà; hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để tỉnh thực hiện các dự án giao thông kết nối Yên Bái với các tuyến giao thông, cao tốc trong khu vực; chuyển đổi Sân bay quân sự Yên Bái sang hoạt động theo hình thức lưỡng dụng; bổ sung quy hoạch để có cơ sở nghiên cứu đầu tư các nhà máy thủy điện cột nước thấp trên sông Thao; điều chỉnh mức đơn giá khoán bảo vệ rừng lên khoảng trên 1 triệu đồng/ha/năm, đảm bảo cho người dân vùng cao yên tâm, tích cực chăm sóc bảo vệ rừng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu đánh giá những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái trong thời gian qua; chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; đề xuất các giải pháp mà Yên Bái cần thực hiện để thúc đẩy phát triển; cho ý kiến đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
Lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng, tỉnh Yên Bái cần tập trung xây dựng quy hoạch; thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, nhất là về hạ tầng giao thông; tập trung phát triển một số ngành chủ lực như du lịch, khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển dược liệu; tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân...
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Yên Bái là tỉnh nằm ở trung tâm khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, có các con sông chảy qua, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; có hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện gồm đường bộ, đường sắt và đường thủy, trong đó có 2 tuyến đường bộ cao tốc đã đi vào hoạt động và đang hình thành, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc).
Yên Bái có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, với hầu hết các khoáng sản chính của Việt Nam; tài nguyên nước dồi dào; tài nguyên rừng phong phú; có nhiều phong cảnh đẹp và hùng vĩ như di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; đỉnh Tà Xùa, Khau Phạ, có hồ Thác Bà là 1 trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam; có nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời, cùng với văn hóa ẩm thực của các dân tộc và kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú như múa xòe, múa khèn, hát giao duyên…
Đặc biệt, Yên Bái là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Yên Bái gắn với tên tuổi của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học. Nhân dân tỉnh Yên Bái có truyền thống cách mạng, anh dũng, kiên cường; thân thiện, hiền hòa, cần cù, yêu lao động, năng động, khát khao làm giàu chính đáng...
“Với nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, Yên Bái có đầy đủ yếu tố để phát triển nhanh và bền vững; trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Yên Bái đã đạt được trong thời gian qua. Theo đó, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến, khó khăn, thách thức, tỉnh Yên Bái đã chủ động, linh hoạt, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, đạt được nhiều kết quả tích cực, có mặt nổi trội.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế mà Yên Bái cần nỗ lực khắc phục như quy mô kinh tế còn nhỏ, tốc độ chuyển dịch còn chậm; tổng thu ngân sách Nhà nước còn thấp, thu chưa đủ chi; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng chậm; du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế; đời sống một bộ phận người dân còn gặp khó khăn, nhất là vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Về phát triển Yên Bái trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị thấm nhuần quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân".
Người đứng đầu Chính phủ đồng tình, đánh giá cao với mục tiêu phát triển Yên Bái nhanh và bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh; phát huy mạnh mẽ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, không ngừng đổi mới sáng tạo để phát triển đột phá và hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà tỉnh Yên Bái cần tổ chức thực hiện ngay. Theo đó, tỉnh phải tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tập trung thực hiện tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả.
Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy nhanh công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần hoàn thiện hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng.
“Quy hoạch phải xứng tầm với sự phát triển kinh tế, văn hóa và trình độ năng lực của tỉnh, phù hợp với xu thế, tư tưởng quy hoạch quốc gia; vừa phải khắc phục được những nhược điểm trước mắt, vừa phải mang tầm nhìn dài hạn; phát huy và khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, mở ra không gian phát triển mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Yên Bái cần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng, gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm, xây dựng nông thôn mới bền vững; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp với ba yếu tố chủ đạo là “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
“Với nguồn cây thuốc tự nhiên phong phú và đa dạng về chủng loại; đất đai và khí hậu phù hợp để phát triển cây dược liệu, tỉnh Yên Bái cần đẩy mạnh phát triển vùng dược liệu, phát triển công nghiệp dược liệu”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tỉnh Yên Bái cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững; tập trung phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh. Cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh; phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, thế mạnh, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao. Yên Bái tiếp tục tập trung nguồn lực phát triển du lịch bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, phát huy tiềm năng, lợi thế về danh lam thắng cảnh, điều kiện tự nhiên, đặc sản riêng có, đa dạng sinh học, môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa các dân tộc.
Thủ tướng cho rằng, nguồn nhân lực là chìa khóa để Yên Bái phát triển nhanh và bền vững. Do đó, tỉnh phải nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó, phải nâng cao một bước về xây dựng trường lớp học, bố trí đầy đủ giáo viên cho hệ thống các cấp học; mở rộng mô hình trường nội trú cho con em đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; mở rộng hệ thống đào tạo nghề, dạy kỹ năng nghề; nhanh chóng thành lập trường Đại học trên cơ sở trường Cao đẳng của tỉnh để đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.
Thủ tướng đề nghị tỉnh huy động các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh mô hình đối tác công tư và sử dụng có hiệu quả đầu tư nhà nước để phát triển hạ tầng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có sức lan tỏa; trọng tâm là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị kết nối với nông thôn, hạ tầng thông tin, viễn thông, thủy lợi.
Tỉnh cần tăng cường thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Yên Bái tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; tập trung đầu tư phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; triển khai hiệu quả các chương trình mục quốc gia; tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với nước bạn bảo đảm an ninh trật tự biên giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Yên Bái phải coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nắm chắc, thức hiện tốt các nguyên tắc, phương thức lãnh đạo của Đảng.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến cụ thể đối với từng đề xuất. Theo Thủ tướng, đây đều là những đề xuất chính đáng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của tỉnh. Tuy nhiên, việc giải quyết các kiến nghị phải dựa trên cơ sở pháp lý, đặt trong tổng thể của toàn vùng và cả nước. Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan phối hợp với tỉnh Yên Bái giải quyết theo thẩm quyền; những vấn đề vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét.
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thị xã Nghĩa Lộ. Trước anh linh của Người, Thủ tướng và đoàn công tác bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, lòng thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; nguyện tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Dương Giang/TXVN
* Thủ tướng và đoàn công tác cũng thăm, dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ tại Khu di tích lịch sử quốc gia Căng và đồn Nghĩa Lộ - nơi khắc ghi dấu ấn lịch sử, chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp những năm 40 của thế kỷ XX, nơi đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt và chiến thắng giải phóng Nghĩa Lộ năm 1952.
Thủ tướng và đoàn công tác nguyện nỗ lực phấn đấu, đem hết sức lực, trí tuệ, tâm huyết xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng hùng cường, thịnh vượng, đời sống nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Theo TTXVN/Báo Tin tức