Dự diễn đàn tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học; đặc biệt là các tổ chức KTHT, doanh nghiệp liên kết. Tại điểm cầu tỉnh ta, đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo đổi mới KTHT, HTX của tỉnh tham dự.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022.
Tại diễn đàn, các đại biểu nghe, phân tích, thảo luận về tình hình hoàn thiện thể chế chính sách phát triển KTHT, HTX trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4; quá trình, kết quả chuyển đổi số (CĐS) tại tổ chức KTHT; giới thiệu các mô hình HTX CĐS, ứng dụng công nghệ, mang lại hiệu quả cao; cơ hội, thách thức, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các tổ chức KTHT trong CĐS.
Theo đó, nhiều HTX đã tiếp cận CĐS, ứng dụng các nền tảng công nghệ vào sản xuất và tổ chức hoạt động của HTX; kết nối sản xuất, tiêu thụ, thích ứng với nhu cầu thị trường... Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tổ chức hoạt động của HTX.
Cũng tại diễn đàn, đại diện các tổ chức quốc tế và chuyên gia giới thiệu kinh nghiệm CĐS HTX tại các nước như: Vai hò của HTX trong nền kinh tế Canada; HTX và CĐS - kinh nghiệm từ Cộng hòa liên bang Đức; CĐS tại Hoa Kỳ trong nông nghiệp và kinh nghiệm cho Việt Nam; Mô hình đối tác thành công trong triển khai hiệu quả các giải pháp công nghệ cho cộng đồng.
Đáng chú ý, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng, địa phương trao đổi, chia sẻ và giải đáp các đề xuất thúc đẩy CĐS trong khu vực KTHT, HTX với tinh thần chân thành, thẳng thắn, cầu thị, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, HTX và người dân. Trong đó, lãnh đạo các bộ, ngành đề xuất các HTX tham gia xây dựng và sử dụng nền tảng số quản trị dùng chung; sử dụng nền tảng mua bán nông sản dùng chung; hệ tri thức dùng chung và marketing online...
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, diễn đàn đã đánh giá một cách căn bản, khách quan, toàn diện, sâu sắc những xu hướng CĐS, môi trường CĐS quốc gia, những đòi hỏi khách quan cần đổi mới của mô hình kinh tế này; những kết quả đạt được, nhận diện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và chỉ ra nguyên nhân cũng như đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Đặc biệt diễn đàn đề xuất các giải pháp đưa ra gắn với quyết tâm CĐS để thay đổi phương thức quản lý, vận hành của mô hình kinh tế tập thể, HTX.
Thủ tướng nhấn mạnh, CĐS là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. CĐS là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với tinh thần là CĐS một cách toàn diện, với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình thích hợp.
Thủ tướng cho biết, tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, trung ương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 17.000 HTX thành viên, trong đó có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến năm 2045, các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là CĐS vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Hiện nay, cả nước mới có khoảng 28.000 HTX, hơn 100 liên hiệp HTX và khoảng 100.000 tổ hợp tác, trong đó, HTX nông nghiệp chiếm khoảng 66%.
Bên cạnh biểu dương, đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển KTHT, HTX, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của khu vực KTHT, HTX, nhất là trong quá trình CĐS.
Người đứng đầu Chính phủ cũng phân tích tình hình, xu thế phát triển của thế giới, định hướng, quan điểm xây dựng đất nước, trong đó có phát triển KTHT, HTX; đồng thời, lưu ý một số quan điểm chính để khu vực KTHT, HTX CĐS thực sự mạnh mẽ, hiệu quả, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thực sự phát huy vai trò của mình trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ban Chỉ đạo CĐS của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao trong Chương trình CĐS quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số; các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 23/8/2022 của Ban chấp hành Trung ương nhằm sớm cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW. Trong đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng hệ sinh thái CĐS trong khu vực KTHT, HTX; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về HTX, liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành khác; tập trung xây dựng một số nền tảng số để phục vụ, hỗ trợ cho HTX về thông tin thị trường, khoa học - công nghệ; trao đổi, tư vấn pháp luật, chính sách; đào tạo; sàn giao dịch điện tử; hợp tác quốc tế...
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi các quy định còn bất cập, cản trở phát triển của kinh tế tập thể, HTX.
Thủ tướng đề nghị hệ thống liên minh HTX tiếp tục đổi mới hoạt động, thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với khu vực kinh tế tập thể; bám sát tình hình, nắm rõ những khó khăn, nhu cầu của HTX để phản ánh đến các cấp có thẩm quyền; thúc đẩy CĐS trong các HTX, liên minh HTX một cách sâu sắc hơn; tăng cường công tác truyền thông chính sách, trong đó có nội dung về CĐS trong khu vực KTHT, HTX.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, qua gần 3/4 thế kỷ hình thành và phát triển, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Thủ tướng truyền tải thông điệp với tinh thần CĐS mạnh mẽ, đổi mới, sáng tạo; mong muốn và tin tưởng rằng, mô hình KTHT, HTX sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ để hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần xây dựng Việt Nam thành quốc gia số, phát triển hùng cường và thịnh vượng; đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
HL (tổng hợp)