Bài thuốc phòng chống sốt xuất huyết

Thời gian gần đây, ở nước ta, sốt xuất huyết (SXH) có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính, thành dịch khá nguy hiểm do virus Dengue gây ra, được truyền từ người bệnh sang người lành qua muỗi đốt.

Theo quan niệm của y học cổ truyền, SXH thuộc phạm vi các chứng Thấp nhiệt dịch, Ôn dịch…, do nhiệt độc gây nên. Ban đầu, nhiệt độc tấn công mạnh và nhanh vào phần nông của cơ thể mà y học cổ truyền gọi là phần vệ, phần khí gây sốt cao, sau đó xâm nhập vào phần sâu hơn gọi là phần dinh và phần huyết gây ban chẩn hoặc xuất huyết. Bởi vậy, việc chọn lựa các bài thuốc cũng phải căn cứ vào bệnh trạng cụ thể ở mỗi giai đoạn mà ứng dụng cho phù hợp. Các bài thuốc Đông y hỗ trợ điều trị tốt với SXH độ 1, 2 và giai đoạn hồi phục.

Kim ngân hoa

Giai đoạn nhiệt độc xâm phạm phần vệ (Đông y gọi là thể ôn tà uất biểu và tà trở mạc nguyên).

Chứng trạng: phát sốt (ban đầu có thể kèm theo cảm giác sợ lạnh), đau đầu, đau lưng, đau mình mẩy và cơ khớp, môi khô miệng khát, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng hoặc vàng mỏng, muộn hơn có thể xuất hiện triệu chứng như mặt đỏ, mắt đỏ, chân tay tê bì, ngực bụng đầy tức, nôn hoặc buồn nôn, đại tiện táo kết hoặc lỏng nát, tiểu tiện sẻn đỏ… (tương đương với SXH độ 1 theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới ).

Bài 1: Tang diệp (lá dâu) 5g, cúc hoa 5g, bạc hà 3g, ty qua hoa (hoa mướp) 10g, mật ong 15g. Các vị thuốc tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, hòa mật ong uống thay trà trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt sơ biểu, giải độc thấu tà.

Bài 2: Đạm đậu xị 15 – 20g, kinh giới 3 – 6g, ma hoàng 1 – 3g, cát căn 20 – 30g, chi tử 3g, sinh thạch cao 60 – 90g, gừng tươi 3 lát, hành tươi 2 củ, gạo tẻ 100g. Đem các vị thuốc sắc chừng 5 – 10 phút, bỏ bã lấy nước nấu với gạo thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng : sơ phong thanh nhiệt, giải biểu thấu tà.

Bài 3: Kim ngân hoa 10g, sơn tra 10g, cúc hoa 10g, mật ong 15 – 30g. Các vị thuốc tán vụn hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, hòa thêm mật ong uống thay trà trong ngày. Công dụng : sơ phong thanh nhiệt.

Bài 4: Lô căn 30g, bạc hà 3 – 5g. Hai vị hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: sơ phong thanh nhiệt, giải biểu thấu tà.

Giai đoạn nhiệt độc xâm phạm phần khí (Đông y gọi là thể Khí nhiệt xí thịnh hoặc Dương minh nhiệt xí).

Chứng trạng: Sốt cao và rất cao, đau đầu, đau lưng, môi khô miệng khát, mặt đỏ, mắt đỏ, ngực bụng bức bối không yên, đại tiện táo kết, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô… (tương đương với SXH độ 1 theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới).

Bài 1: Thạch cao 30g, tri mẫu 10 – 15g, gạo tẻ 100 – 150g, đường phèn 5g. Các vị thuốc sắc kỹ lấy nước bỏ bã rồi cho gạo vào nấu thành cháo, hòa đường phèn, chia ăn 2 – 3 lần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải độc.

Bài 2: Thạch cao 30 – 45g, lá tre tươi 30g, trúc tâm 30g, lô căn 30g, gạo tẻ 100 – 150g, đường phèn 5g. Các vị thuốc sắc lấy nước nấu với gạo thành cháo, hòa đường phèn chia ăn 2 lần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải độc.

Giai đoạn nhiệt độc xâm phạm phần khí, phần dinh và phần huyết (Đông y gọi là thể Khí dinh lưỡng phiền).

Chứng trạng: Sốt cao, môi khô miệng khát, tâm trạng bồn chồn không yên, có ban xuất huyết dưới da, thậm chí tinh thần có thể u ám, cháy máu cam, nôn hoặc đại tiện ra máu, chất lưỡi đỏ giáng, rêu lưỡi vàng khô hoặc xám đen (tương đương với SXH độ 2 theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới ).

Bài 1: Sinh thạch cao 60 – 90g, sinh địa 15 – 20g, lê 4-5 quả, ngó sen tươi 30g, lá sen tươi nửa tàu, đường phèn lượng vừa đủ. Sắc sinh thạch cao, ngó sen và lá sen lấy chừng 1 bát nước; lê gọt vỏ, thái vụn rồi ép lấy nước cốt; hòa hai thứ nước với nhau, chế thêm đường phèn rồi chia uống vài lần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt, lương huyết, giải độc.

Bài 2: Sinh thạch cao 30 – 60g, huyền sâm 10g, tê giác 3 – 5g (có thể thay bằng thủy ngưu giác hoặc bột sừng trâu 6 – 10g), lá sen tươi nửa tàu, đậu xanh 30g, gạo tẻ 100g. Sắc thạch cao, huyền sâm và sừng trâu lấy nước rồi nấu với đậu xanh và gạo thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt, lương huyết, giải độc.



 
Sinh địa

Giai đoạn hồi phục
Chứng trạng:
Hết sốt, ban xuất huyết lặn dần, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, đầu choáng mắt hoa, lưng đau gối mỏi, ngủ kém, đại tiện lỏng nát… Tùy theo triệu chứng cụ thể mà y học cổ truyền phân ra thành các thể loại như Nhiệt thương âm dịch, Tỳ vị hư nhược, Thận khí hư suy…

Bài 1: Sa sâm 20g, mạch môn 10 – 15g, gạo tẻ 100g, đường phèn lượng vừa đủ. Các vị thuốc sắc kỹ bỏ bã lấy nước nấu với gạo thành cháo, hòa đường phèn chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: dưỡng âm, sinh tân dịch.

Bài 2: Sinh địa 30g, gừng tươi 2 – 3 lát, gạo tẻ 100g. Sắc sinh địa và gừng lấy nước nấu với gạo thành cháo, chế thêm chút đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: tư thận thanh nhiệt, lương huyết sinh tân.

Bài 3: Xương dê 1.000g, gạo tẻ 100g, hành tươi 2 củ, gừng tươi 3 – 5g, gia vị vừa đủ. Xương dê đập vụn ninh lấy nước rồi cho gạo vào nấu thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng : bổ thận khí, kiện tỳ vị, mạnh gân cốt.

Bài 4: Đẳng sâm 15g, hoàng kỳ 20g, bạch truật 12g, mạch nha sao 12g, trần bì 8g, đại táo 10g, gừng tươi 2 lát. Các vị tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: bổ trung ích khí, kích thích tiêu hóa.

(Theo ThS. Hoàng Khánh Toàn-SKDS)