Ngâm chân phòng chống cao huyết áp

Ngâm chân trong nước ấm, nước khoáng hoặc dịch thuốc là một liệu pháp phòng chống bệnh độc đáo của y họccổ truyền. Đối với bệnh cao huyết áp, biện pháp này có giá trị dự phòng và hỗ trợ trị liệu hiệu quả. Sau đây là một số công thức và cách dùng thông dụng.

Một số công thức nước ngâm

- Từ thạch, thạch quyết minh, đẳng sâm, hoàng kì, đương quy, tang chi, chỉ xác, ô dược, mạn kinh tử, bạch tật lê, bạch thược, đỗ trọng, ngưu tất, mỗi vị 6g, độc hoạt 18g, sắc lấy nước ngâm chân trong 60 phút.

- Câu đằng 20g và một chút băng phiến, sắc lấy nước ngâm chân 2 lần trong ngày, mỗi lần 30 – 45 phút, 10 ngày là một liệu trình.

- Câu đằng 30g, cúc hoa 15g, hạ khô thảo 15g, quyết minh tử 30g, ngưu tất 20g, bạch truật 20g, bạch cương tàm 20g, hồng hoa 15g, sắc lấy nước ngâm chân trong 30 phút, mỗi ngày 2 lần.

- Hạ khô thảo 30g, câu đằng 20g, tang diệp 15g, cúc hoa 20g, sắc lấy nước ngâm chân mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30 phút.

- Ngô thù du 15g, hoàng bách 20g, tri mẫu 20g, sinh địa 20g, ngưu tất 20g, sinh mẫu lệ 40g, sắc lấy nước ngâm chân, mỗi ngày 2 lần.

- Tang chi 20g, tang diệp 15g, sung uý tử 20g, sắc lấy nước ngâm chân 2 lần trong ngày, mỗi lần 45 phút.

- Có thể dùng nước ấm bình thường hoặc nước khoáng nóng.
Cách ngâm chân

Dụng cụ: Tốt nhất là dùng chậu ngâm điện (loại nhập từ Trung Quốc, có bán tại các siêu thị), loại chậu này tiện lợi cho việc giữ nhiệt độ một cách tự động, ít phải chế thêm nước nóng rồi lại phải thử độ nóng làm cách quãng việc ngâm chân. Nếu không có thì nên dùng chậu gỗ vì loại chậu này giữ được nhiệt lâu, không độc và an toàn.

Nhiệt độ nước ngâm: Tuỳ theo tính chất địa lí, khí hậu, lứa tuổi, tình trạng bệnh lí, phản ứng của từng cá thể… mà lựa chọn nhiệt độ nước ngâm cho phù hợp. Nói chung, về cơ bản, nên chọn nhiệt độ trung bình từ 38 đến 43 độ C. Cơ sở xác định là, sau khi ngâm chân cơ thể cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái và huyết áp được cải thiện rõ rệt.

Tư thế: Chọn tư thế ngồi trên ghế tựa, chậu ngâm có độ cao từ 20 cm trở lên, độ rộng có thể chứa đủ hai chân là được.

Thời gian ngâm chân: Mỗi ngày nên ngâm 2 lần, tốt nhất là vào lúc 10 giờ sáng và tối trước khi đi ngủ. Ngoài việc điều chỉnh huyết áp, việc ngâm chân vào buổi tối sẽ giúp giấc ngủ ngon và sâu hơn. Dân gian có câu: “Sau ăn 300 bước, trước ngủ một chậu ngâm”. Tuỳ theo công thức thuốc ngâm, tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khoẻ, khí hậu thời tiết, tính chất công tác… nói chung thời gian ngâm chân mỗi lần chừng 30 phút là phù hợp. Những người huyết áp quá cao, khó điều chỉnh thì có thể kéo dài thời gian ngâm. Mùa đông nên ngâm dài hơn mùa hè. Tiêu chí đánh giá thời gian ngâm hợp lí là: Sau khi ngâm chân cảm thấy dễ chịu, tình trạng huyết áp được cải thiện.

Biện pháp kết hợp khi ngâm chân

Trong khi ngâm nên kết hợp day bấm một số huyệt vị và thư giãn. Day bấm huyệt, xong thực hành thư giãn.

Các huyệt vị cần day bấm là: Bách hội (là điểm giao nhau ở đỉnh đầu của đường nối đỉnh hai vành tai khi gấp tai lại và đường trục giữa cơ thể, ấn có cảm giác ê tức); ấn đường (là điểm giữa của đoạn nối hai đầu trong lông mày) và Dũng tuyền (là điểm nối 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn nối đầu ngón chân 2 và điểm giữa bờ sau gót chân, trong chỗ lõm ở gan bàn chân). Nên dùng ngón cái hoặc ngón tay giữa để day bấm, mỗi huyệt chừng 2 phút, sao cho đạt cảm giác tức nặng là được.

Thực hành thư giãn: Tựa người vào thành ghế, toàn thân thả lỏng, mắt nhắm hờ, tập trung sự chú ý vào một điểm nhất định trên cơ thể, tốt nhất là vào Đan điền (vùng dưới rốn một chút). Thở đều, chậm và thật nhẹ đến mức để một vài sợi bông trước mũi mà không thấy lay động. Trước tiên, từ từ thở ra, bụng lõm vào rồi lại từ từ hít vào, bụng phình ra, nín thở một lát rồi lại từ từ thở ra, cứ luân phiên thở như vậy chừng 5 phút. Tiếp đó nghỉ 5 phút rồi lại lặp lại quy trình thở lần thứ hai.

Những điều cần chú ý

- Ngâm chân là liệu pháp mang tính hỗ trợ và phối hợp, những người huyết áp cao đang dùng thuốc không nên ngừng đột ngột, muốn ngừng hoặc giảm liều thuốc phải có ý kiến của bác sĩ điều trị.

- Trong khi tiến hành ngâm chân, tư tưởng hết sức thoải mái, bình thản, cần tránh căng thẳng hoặc suy nghĩ lo âu.

- Nên chọn nơi ngâm chân yên tĩnh, thoáng khí, không bị xáo trộn bởi ngoại cảnh.
- Phải kiên trì và đều đặn, tránh ngâm ngắt quãng.

- Nếu đang bị mắc các bệnh lí cấp tính có sốt do viêm nhiễm và bị bệnh xuất huyết thì không nên thực hành liệu pháp ngâm chân

(Theo Ths. Hoàng Khánh Toàn)