Nuôi hai con học đại học nhờ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi

Với tâm niệm cho con “cái chữ” là cho cả tương lai, nên dù cuộc sống nghèo khó, gia đình chị Lê Thị Thanh Nga (ảnh), thôn Tân Lập, xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) vẫn quyết tâm, đồng lòng vượt khó nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà rộng rãi, khang trang, chị Nga chia sẻ về câu chuyện vượt khó nuôi hai con học đại học. Những năm đầu khi mới lập gia đình, vì không có nghề nghiệp ổn định nên vợ chồng chị cùng đi làm thuê, làm mướn, đắp đổi qua ngày. Sau nhiều năm tích góp chị cũng mua được mảnh đất nhỏ, cất tạm căn nhà để che nắng, che mưa. Có được mảnh đất để “an cư, lập nghiệp”, 2 đứa con cũng lần lượt ra đời, chị lại có thêm động lực để tiếp tục cố gắng làm kinh tế. Khó khăn nhất của gia đình chị là khi các con đến tuổi ăn học, chi tiêu trong gia đình ngày một nhiều hơn. Nhưng để các con biết “cái chữ” cho tương lai đỡ vất vã, vợ chồng chị chẳng dám nghỉ ngơi mà tảo tần làm việc kiếm tiền nuôi con ăn học. Mỗi ngày, ngoài việc thức dậy từ lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị nguyên liệu nấu bún riêu bán buổi sáng trước nhà, tất bật buôn bán đến khoảng giữa trưa, vợ chồng chị lại tranh thủ thời gian đi làm mướn để kiếm thêm thu nhập. Không câu nệ việc nặng hay nhẹ, trong xóm hễ ai cần thuê gì là vợ chồng chị đều làm.

Thấu hiểu nỗi lòng của ba mẹ, các con chị đều cố gắng học tập. Đến năm 2008, đứa con gái đầu thông báo nhận giấy trúng tuyển đại học vào trường Đại học Lạc Hồng - TP. Hồ Chí Minh, lúc này chị vừa mừng, vừa lo. Mừng vì con chăm ngoan, học hành đỗ đạt, lo là kinh tế gia đình khó khăn, chị chẳng biết xoay xở đâu số tiền lớn để con tiếp tục được đến trường. Ngay khi vợ chồng chị định bán miếng đất hiện có lo cho con đi học xa nhà, thì được Hội Phụ nữ xã giới thiệu tiếp cận nguồn vay vốn chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên và được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện duyệt số tiền được vay đóng học phí năm đầu là 10 triệu đồng. Khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, gia đình chị như vơi bớt nỗi lo và chăm chỉ làm kinh tế trả gốc, lãi cho ngân hàng. Tiếp đến năm 2010, đứa con trai thứ hai trúng tuyển đại học vào trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Do chấp hành tốt việc vay vốn nên gia đình chị tiếp tục được vay vốn cho con đi học. Trong 5 năm các con học đại học, nguồn dư nợ vốn vay học sinh, sinh viên của gia đình chị lên đến gần 90 triệu đồng.

Chị Nga bộc bạch: Nhiều lúc kinh tế gia đình khó khăn, tôi phải vay mượn từng đồng, chạy ăn từng bữa, nhưng thấy các con ngoan ngoãn, siêng năng học hành thì dù cực khổ đến mấy, vợ chồng tôi cũng cố gắng để các con ăn học nên người, có tương lai tươi sáng. Vì vậy, khi được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi như “tiếp sức” cho gia đình tôi vượt qua khó khăn, có số tiền lớn nuôi con ăn học, từng bước phát triển kinh tế ổn định, cuộc sống cũng trở nên khấm khá hơn rất nhiều.

Giờ đây vợ chồng chị đã qua thời gian khó khăn, hai người con đã học ra trường có việc làm ổn định và phụ giúp gia đình trả hết nợ các khoản vay. Người con gái đầu hiện là giáo viên tiếng Anh, công tác tại trường Tiểu học Hòa Sơn; con trai thứ hai là giảng viên môn Giáo dục thể chất trường Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Với sự thành đạt của con cùng nỗ lực làm kinh tế, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo. Mới đây, chị Lê Thị Thanh Nga được Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tặng Giấy khen đã có thành tích sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi đúng mục đích, có hiệu quả trong 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ.