Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh Ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở giai đoạn 2022 – 2030

Ngày 22-8-2022, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy ký ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở giai đoạn 2022 – 2030

Chỉ thị nêu rõ: Trong những năm qua, công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, cùng với đó là sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, giáo viên ngành giáo dục đào tạo nên đã đạt được những kết quả tích cực: Hệ thống trường, lớp học và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học được quan tâm đầu tư theo hướng trưởng đạt chuẩn quốc gia; chất lượng giáo dục được nâng lên, ở vùng khó khăn tiếp tục có sự chuyển biến tích cực hơn; công tác phổ cập giáo dục các cấp được củng cố và phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương; số người mù chữ giảm qua các năm; công tác thanh tra, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền được thực hiện thường xuyên, liên tục; công tác tuyên truyền, nêu gương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được quan tâm thực hiện... Tuy nhiên, những kết quả đạt được so với yêu cầu còn nhiều hạn chế; việc nâng chất lượng giáo dục tiểu học và trung học cơ sở ở một số trường chuyển biến còn chậm, chất lượng dạy học môn ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn, hầu hết các trưởng chưa dù phòng chức năng, phòng học bộ môn, phòng công vụ cho giáo viên. Đội ngũ giáo viên chưa đủ theo quy định, nhất là giáo viên mầm non; tỷ lệ giáo viên có năng lực, trình độ chuyên môn cao còn ít; một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của giáo dục trong thời kỳ mới. Số người mù chữ vẫn còn hơn 13 nghìn người dân trong độ tuổi từ 36-60 mù chữ, chiếm tỷ lệ 6,16% dân số trong độ tuổi, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở còn nhiều hạn chế; tỷ lệ học sinh bỏ học ở nhà lao động sản xuất, lập gia đình, không tham gia học nghề còn cao. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, đó là ngoài các nguyên nhân khách quan về nguồn lực đầu tư cho công tác giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế... còn có các nguyên nhân chủ quan, đó là: Một số cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ; công tác tuyên truyền, quán triệt, phối hợp thực hiện ở một số ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức; một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, góp phần thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 200-KH/TU ngày 10/7/2012 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực Kết luận số 51-KL/TW, ngày 30/5/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận, đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu kỹ trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở trong giai đoạn hiện nay; xác định công tác chăm lo giáo dục là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các đoàn thể, của mọi gia đình và toàn xã hội; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả việc đẩy mạnh phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030.

Các em học sinh lớp 6, Trường THCS Trần Phú (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) đến nhận lớp để chuẩn bị bước vào cho năm học mới 2022-2023. Ảnh: Văn Nỷ

2. Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tiếp tục đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, có các biện pháp quyết liệt giảm thiểu học sinh lưu ban, bỏ học, nhất là ở các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.

Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, phối hợp theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học bảo đảm các điều kiện cần thiết về quy hoạch mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh chủ động, tích cực chuẩn bị các điều kiện thực hiện hiệu quả, chất lượng việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đảm bảo lộ trình, kế hoạch đề ra.

Tiếp tục củng cố vững chắc và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, nâng cao chất lượng và hiệu quả phổ cập giáo dục ở những vùng có điều kiện khó khăn, vùng xâu, vùng xa.

Tập trung đẩy mạnh thực hiện công tác xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (chống tái mù chữ); đổi mới công tác vận động, quản lý và tổ chức lớp phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đặc điểm sinh hoạt của người dân và tình hình dịch bệnh hiện nay, chú trọng đối tượng là người mù chữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; có chính sách thu hút, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác xóa mù chữ; triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ giáo dục cho người dân tộc thiểu số và miền núi sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở theo hướng tăng tỷ lệ học sinh học nghề ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề; đồng thời tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh được liên thông lên các cấp học cao hơn.

Nâng cao năng lực đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo tính khoa học, chủ động được một phần nhân lực lao động có chất lượng cao cho tỉnh; triển khai và thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch về dạy nghề, giải quyết việc làm, các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người học thuộc đối tượng chính sách, đặc biệt là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Chỉ đạo Hội khuyến học tỉnh củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các tổ chức Hội các cấp và vai trò, trách nhiệm của hội viên trong vận động các nguồn lực tham gia làm khuyến học, khuyến tài; phát huy vai trò nòng cốt của Hội trong công tác vận động học sinh đến trường, vận động người lớn ra lớp xóa mù chữ, góp phần thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tại địa phương.

3. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh.

4. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả nội dung Chỉ thị này; tăng cường chỉ đạo

đẩy mạnh phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng lộ trình và nâng cao chất lượng các tiêu chí trong thời gian tới.

5. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị xã hội tỉnh phối hợp với ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác vận động hội viên, đoàn viên, người lao động và Nhân dân tham gia thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên theo qui định đối với các địa phương, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện.

6. Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc căn cứ tình hình thực tế của các địa phương, đơn vị chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị này; tăng cường kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác này.

7. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tin truyền thông trong tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tuyên truyền các gương người tốt, việc tốt, các mô hình, các điển hình tiêu biểu.

Chủ trì, phối hợp với các bạn xây dựng đảng, các sở, ngành chức năng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai Chỉ thị này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Tỉnh ủy để theo dõi, chỉ đạo.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ đảng.