Không thể phủ nhận nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam

Từ trước tới nay, trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người, Việt Nam luôn thể hiện tinh thần cầu thị, sẵn sàng hợp tác, lắng nghe khuyến nghị của các chính phủ, cơ quan, tổ chức quốc tế để có những giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn loại tội phạm này. Tuy nhiên, chúng ta cũng không chấp nhận những đánh giá phiến diện, thiếu khách quan, phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Từ năm 2000, Văn phòng giám sát và chống buôn người (The Office to Monitor and Combat Trafficking in Persons - J/TIP) trực thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bắt đầu công bố Báo cáo thường niên về tình hình buôn người (Trafficking in Persons Report - TIP Report) trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, cơ quan này cũng phân loại các quốc gia dựa theo sự tuân thủ của chính phủ những nước này với hệ thống quy định trong Đạo luật Bảo vệ nạn nhân buôn người (Trafficking Victims Protection Act - TVPA) được Hoa Kỳ thông qua năm 2000.

Kể từ khi được ban hành, nội dung trong các bản Báo cáo về tình hình buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lập tức trở thành chủ đề gây nhiều tranh cãi.

Thí dụ trong bài viết “Nâng cao hiệu quả của luật pháp quốc tế về chống buôn người: Tầm nhìn cho tương lai trong các báo cáo tình hình buôn người của Hoa Kỳ”, đăng trên tạp chí Đánh giá nhân quyền - Nhà xuất bản Springer ngày 1/12/2010, tác giả Anne T.Gallagher nhận định: “Báo cáo nên dựa trên quy định của pháp luật của quốc tế về chống mua bán người thay vì chỉ dựa theo tiêu chí do chính trị gia Hoa Kỳ áp đặt”.

Tuyên truyền cho người dân về phòng, chống mua bán người tại chợ phiên xã Pha Long, huyện Mường Khương (Lào Cai).

Tương tự, trong bài viết “Thế giới bóng tối của lao động tình dục xuyên biên giới” đăng trên tờ The Guardian ngày 19/11/2008, nhà báo Laura Agustín đưa ra bình luận: “Báo cáo về tình hình buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ dựa trên phỏng đoán của CIA, cảnh sát và đại sứ quán Hoa Kỳ tại các nước mà không dựa trên sự khác biệt về văn hóa và các tầng lớp xã hội”.

Năm 2016 doanh nghiệp xã hội Seefar - một tổ chức có nhiều hoạt động kinh doanh vì mục tiêu xã hội tại các nước Đông Nam Á cho rằng các báo cáo TIP đưa ra quá nhiều khuyến nghị không phù hợp với bối cảnh và năng lực của một số quốc gia. Bên cạnh đó, tổ chức này cũng lưu ý rằng phần lớn khuyến nghị trong các báo cáo TIP không mang tính kế thừa bền vững, thiếu tầm nhìn dài hạn...

Dù nhận được nhiều góp ý từ các tổ chức quốc tế, giới học giả cho đến báo chí, các báo cáo TIP vẫn không cho thấy sự điều chỉnh cải thiện cách nhìn để bảo đảm sự khách quan, công bằng. Nội dung của Báo cáo TIP 2022 được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố mới đây tiếp tục đưa ra nhiều nhận định phiến diện, sai sự thật về tình hình phòng, chống mua bán người ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, Báo cáo TIP 2022 hạ bậc Việt Nam xuống Nhóm 3 - các nước không đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu để loại bỏ nạn mua bán người và không có các nỗ lực để đáp ứng các tiêu chuẩn này.

Điều đáng nói là dù chỉ trích Việt Nam “thiếu nỗ lực đáng kể”, Báo cáo TIP 2022 vẫn buộc phải thừa nhận: Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến để giải quyết nạn buôn người; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành sáng kiến, chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người; tăng cường hợp tác thực thi pháp luật quốc tế; các cơ quan thực thi pháp luật đã tăng cường hợp tác với các cơ quan có cùng chức năng, nhiệm vụ của các quốc gia trên thế giới… Báo cáo cũng chỉ ra rằng Việt Nam hỗ trợ nhiều nạn nhân hơn so với năm 2020. Bộ Công an cũng tập trung chỉ đạo nhằm kịp thời phát hiện, xử lý tội phạm mua, bán người xảy ra ở Việt Nam.

Trên thực tế, từ trước đến nay, chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó có công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người được xác định là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài và được thực hiện một cách chủ động. Nhiều văn bản chính sách, pháp luật về phòng ngừa mua bán người, lao động cưỡng bức, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bảo vệ trẻ em được ban hành suốt thời gian qua.

Tiêu biểu có thể kể đến như: ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.

Tháng 2/2021 Chính phủ đã ban hành Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, việc quan tâm, hỗ trợ, chăm sóc các nạn nhân của hành vi mua, bán người được Chính phủ đặc biệt quan tâm, thể hiện thông qua Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về việc quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Cơ chế phối hợp liên ngành trong hoạt động về phòng, chống mua bán người tiếp tục được tăng cường trong năm 2022. Ngày 18/7, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã ký quy chế phối hợp tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân buôn người.

Trước tình trạng mua bán người diễn ra ngày một phổ biến trên không gian mạng, mạng xã hội, ngày 29/7 vừa qua, Bộ Công an phối hợp Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Lễ phát động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người-30/7” với chủ đề “Sử dụng và lạm dụng không gian mạng”, nhằm lan tỏa thông điệp của chương trình và khẳng định cam kết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết tâm ngăn chặn nạn mua bán người.

Đồng thời, Việt Nam luôn sẵn sàng tiếp thu, cộng tác với chính phủ, cơ quan, tổ chức quốc tế nhằm tìm ra các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tội phạm buôn người, hỗ trợ các nạn nhân của mua bán người. Ngày 24/9/1982 Việt Nam chính thức gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR). Nhiều năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc nội luật hóa Công ước ICCPR và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người nói chung, phòng, chống mua bán người nói riêng thể hiện qua Luật Phòng, chống mua bán người, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Lao động năm 2019 và gần đây là Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Do nằm trong khu vực có tình hình buôn người phức tạp, năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN ký Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng gia nhập nhiều nghị định, hiệp ước, điều ước, thỏa thuận song phương, đa phương nhằm ngăn chặn tội phạm mua bán người.

Sau khi thông qua Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) vào ngày 19/12/2018, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều kế hoạch, hoạt động tích cực nhằm triển khai thỏa thuận này. Ngày 24/5/2022, Việt Nam đã tham dự Diễn đàn Rà soát di cư quốc tế (IRMF) lần thứ nhất, qua đó, khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong việc củng cố môi trường di cư minh bạch, ngăn chặn nguy cơ mua bán người núp bóng hoạt động di cư quốc tế.

Bên cạnh đó các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các hiệp định hợp tác song phương và đa phương về phòng, chống mua bán người, chuẩn bị cho Hội nghị liên Bộ trưởng các nước Tiểu vùng Mê Kông mở rộng về phòng, chống mua bán người (COMMIT) và họp Ban chỉ đạo COMMIT khu vực theo đề xuất của Chính phủ vương quốc Thái Lan...

Từ những việc làm cụ thể, có hiệu quả trên thực tế, Việt Nam được đánh giá là thành viên trách nhiệm trong phòng, chống mua bán người. Do đó Báo cáo TIP 2022 về tình hình buôn người tại Việt Nam không phản ánh đúng tình hình thực tế.

Thậm chí, xét trên mặt bằng 188 quốc gia hiện diện trong báo cáo, những kết quả mà Nhà nước Việt Nam đạt được là rất tích cực bất chấp tác động xấu từ đại dịch Covid-19 lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trong giai đoạn 2021-2022. Mặc dù vậy, J/TIP vẫn cố tình hạ thấp những thành tựu này song song với việc thổi phồng một số cáo buộc vô căn cứ.

Ngày 21/7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra Báo cáo năm 2022 về tình hình mua bán người trên thế giới, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra Báo cáo năm 2022 về tình hình mua bán người trên thế giới với các thông tin không xác thực, không phản ánh đầy đủ, chính xác về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam.

Trước những đánh giá phiến diện, vô lý được nêu trong Báo cáo TIP 2022 chính quyền nhiều nước đã bày tỏ thái độ bất bình. Ngoài ra, có thể kể đến phản ứng của các nghiệp đoàn tại Malaysia được phản ánh trên tờ The Star Malaysia ngày 24/7/2022 khi họ đặt nghi vấn về độ tin cậy của các bên đứng sau Báo cáo TIP 2022 vì thiếu cơ sở, phương pháp đánh giá và cách thức thu thập bằng chứng trước khi đưa ra kết luận.

Gay gắt hơn, Chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) phát biểu trên trang Tin tức ngày 20/7/2022 tuyên bố Báo cáo TIP 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Hồng Kông vào Danh sách theo dõi Cấp 2 là không công bằng và không phản ánh đúng sự thật; đồng thời lên án những người lập ra báo cáo cố tình can thiệp vào hệ thống pháp luật hiện tại của vùng lãnh thổ này.

Những năm qua, dù không đồng tình với nội dung được nêu trong các báo cáo TIP hằng năm, Chính phủ Việt Nam vẫn giao lưu, hợp tác, tiếp thu kinh nghiệm với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, đồng thời nghiêm túc xem xét, giải quyết các khuyến nghị được nêu ra trong từng báo cáo.

Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn phía Hoa Kỳ trong thời gian tới hợp tác chặt chẽ hơn nữa để có đánh giá đầy đủ về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam, sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ cũng như các bên liên quan về những vấn đề hợp tác cụ thể để cùng nhau triển khai hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.

Song Báo cáo TIP 2022 đã thiếu sự nhìn nhận, đánh giá khách quan, dẫn đến kết quả đưa ra không phản ánh đúng tình hình thực tế, gây bức xúc dư luận. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm uy tín, giá trị của các bản báo cáo TIP đối với Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới.

Nguồn tuyengiao.vn