Hiệu quả thiết thực từ mô hình “Cà phê giao lưu pháp luật”

Với những hiệu quả thiết thực mô hình mang lại, thời gian tới Hội Luật gia tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tập huấn kỹ năng, nâng cao kiến thức pháp luật cho các tư vấn viên, cộng tác viên pháp luật, đáp ứng nhu cầu người dân. Duy trì thường xuyên có hiệu quả công tác trực và tư vấn pháp luật tại điểm “Cà phê giao lưu pháp luật” theo Đề án số 186/ĐA-HLG ngày 22-8-2016. Hướng tới nhân rộng mô hình ở các cơ sở khi có đủ điều kiện theo nội dung của đề án.

Hơn 5 năm qua, mô hình “Cà phê giao lưu pháp luật” do Hội Luật gia tỉnh tổ chức được xem là hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân.

Như thường lệ, vào 8 giờ sáng, Chủ nhật hằng tuần, đông đảo người dân cùng các tư vấn viên cùng nhau gặp gỡ tại quán cà phê Zen, số 01/09-11 đường Đoàn Thị Điểm, phường Kinh Dinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) để cùng nhau sinh hoạt, trao đổi về các quy định của pháp luật. Được biết, đây là hoạt động triển khai Đề án “Cà phê giao lưu pháp luật” của UBND tỉnh tại Văn bản số 2109/UBND-NC ngày 3-6-2016. Nội dung đề án bao gồm các hoạt động giải đáp pháp luật cho mọi đối tượng có nhu cầu tìm hiểu; tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý hỗ trợ đối tượng có nhu cầu; hướng dẫn cách ứng xử theo quy định của pháp luật nhằm giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp.

Mô hình “Cà phê giao lưu pháp luật” góp phần tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân có nhu cầu.

Tình cờ biết đến mô hình qua phương tiện thông tin đại chúng, anh Nguyễn Tấn Thành, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) tìm đến quán Cà phê Zen để được giải đáp thắc mắc bấy lâu. Anh chia sẻ: Tôi có sở hữu tài sản là mảnh đất nhưng nay cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện. Thắc mắc nhưng không biết hỏi ai để giải đáp. Tình cờ biết đến mô hình tôi đã tìm đến để được các tư vấn viên Hội Luật gia tỉnh trực tiếp hướng dẫn. Nhờ vậy, tôi đã hiểu hơn về pháp luật, tìm được hướng giải quyết thích hợp. Không chỉ riêng anh Thành mà hơn 5 năm qua điểm “Cà phê giao lưu pháp luật” đã tiếp hàng trăm lượt người đến xin tư vấn và tìm hiểu những quy định cụ thể của pháp luật. Có thể nói thông qua mô hình góp phần thúc đẩy ý thức tự tìm hiểu kiến thức pháp luật của những người đến uống cà phê. Từ đó, pháp luật đến với người dân một cách tự nhiên, đời thường, không khô cứng và nhàm chán nữa.

Chính nhờ không gian điểm “Cà phê giao lưu pháp luật” gần gũi giúp người dân có nhu cầu dễ dàng cởi mở cung cấp thông tin; người thực hiện cũng có thời gian để tìm hiểu sâu kỹ hơn, từ đó định hướng các vụ việc “thấu tình, đạt lý”. Từ năm 2016 đến nay điểm “Cà phê giao lưu pháp luật” đã tiếp và tư vấn cho hơn 400 trường hợp. Hầu hết tất cả các vụ việc đều được các tư vấn viên, cán bộ Hội Luật gia trực tiếp tư vấn cụ thể, kịp thời, đúng theo quy định pháp luật. Thông qua đó giúp cho người dân hiểu rõ quy định pháp luật và hướng dẫn đến đúng cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình. Nhiều vụ việc đã đem lại hiệu quả thiết thực, lan tỏa tích cực trong cộng đồng. Đơn cử như: Trường hợp ông Nguyễn Chí Luyện, phường Phủ Hà (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) được tư vấn, hướng dẫn khiếu nại được cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 1 lô đất tái định cư 175 m2. Hay như ông Nguyễn Hữu Thế, phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) khiếu nại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trái quy định pháp luật. Được các tư vấn viên hướng dẫn và soạn thảo giúp đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu thụ lý giải quyết. Nhờ vậy, đã bảo vệ được quyền lợi cũng như tài sản của mình.

Cùng với thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân hiệu quả, mô hình còn giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng giúp cho tổ chức cơ sở hội thực hiện tốt nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở. Với những hoạt động thiết thực, cụ thể điểm “Cà phê giao lưu pháp luật” thu hút được nhiều lượt hội viên có chuyên môn ở nhiều lĩnh vực: Đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình... cùng tham gia. Nhờ vậy, giúp các hội viên kịp thời nắm bắt, cập nhật các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, hoạt động mô hình “Cà phê giao lưu pháp luật” góp phần tăng cường xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh. Qua đó, cung cấp kịp thời, có chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân có nhu cầu. Trao đổi với chúng tôi về định hướng thời gian tới, đồng chí Tống Mỹ Cường, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết: Với những hiệu quả thiết thực mô hình mang lại, thời gian tới Hội tiếp tục tăng cường công tác tập huấn kỹ năng, nâng cao kiến thức pháp luật cho các tư vấn viên, cộng tác viên pháp luật, đáp ứng nhu cầu người dân. Duy trì thường xuyên có hiệu quả công tác trực và tư vấn pháp luật tại điểm “Cà phê giao lưu pháp luật” theo Đề án số 186/ĐA-HLG ngày 22-8-2016. Hướng tới nhân rộng mô hình ở các cơ sở khi có đủ điều kiện theo nội dung của đề án...