Chúng tôi đến xã Lợi Hải vào đúng ngày cán bộ Phòng giao dịch (PGD) NHCSXH huyện Thuận Bắc đang tổ chức buổi giao dịch với người dân. Tại đây, NHCSXH đã trang bị đầy đủ thiết bị máy móc, thực hiện công khai các chính sách, văn bản mới, dư nợ cho vay từng khách hàng, nợ quá hạn, nợ được xử lý rủi ro, lãi suất... giúp cán bộ và hộ vay tra cứu nắm bắt dễ dàng, thuận lợi. Gia đình anh Chamaléa Hải, ở thôn Kiền Kiền 2 là một trong số hàng trăm hộ tại địa phương được tiếp cận vốn vay NHCSXH từ những ĐGD xã để xây dựng mô hình làm ăn kinh tế đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Hải, chia sẻ: Với quyết tâm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình, năm 2019, tôi mạnh dạn làm hồ sơ và được PGD NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay 80 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Tôi đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 6 con heo đen và 100 con gà giống về nuôi sinh sản. Đầu tư có lãi, tôi tiếp tục mở rộng quy mô tổng đàn heo hiện nay lên hơn 30 con và 200 con gà, mỗi năm xuất bán, đem lại lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Nhờ có ĐGD xã, người dân có nhu cầu vay vốn hay trả nợ được thực hiện ngay tại địa phương, nên tiết kiệm khá nhiều chi phí đi lại. Ông Nguyễn Ngọc Ba, Phó Giám đốc PGD NHCSXH huyện Thuận Bắc, cho biết: Đa số khách hàng vay vốn trên địa bàn là hộ nghèo, cận nghèo lại thuộc khu vực miền núi nên điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn. Sau khi ĐGD được bố trí ngay tại các xã, vào ngày cố định hằng tháng, khách hàng không cần phải đến giao dịch trực tiếp tại ngân hàng như trước đây. Mô hình này đã và đang duy trì tốt, thúc đẩy tỷ lệ giải ngân vốn cũng như doanh số thu hồi nợ, thu lãi từ các chương trình cho vay của PGD được thực hiện nhanh chóng, kịp thời hơn.
Cán bộ PGD NHCSXH huyện Thuận Bắc thực hiện giải ngân vốn vay cho người dân
tại điểm giao dịch xã Phước Chiến.
Đặc biệt, ĐGD xã còn giúp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác dễ dàng nắm bắt và chủ động hơn trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách. Hiện nay, NHCSXH tỉnh tổ chức đặt các ĐGD tại 65/65 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, với mạng lưới giao dịch xã rộng khắp cùng với hoạt động của 4 hội, đoàn thể nhận ủy thác và gần 1.600 Tổ tiết kiệm và vay vốn, đưa vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Từ đầu năm đến nay, toàn chi nhánh đã tập trung chỉ đạo thực hiện giải ngân trên 462 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ hiện đạt hơn 2.679 tỷ đồng, với trên 74.800 khách hàng còn dư nợ. Theo đánh giá, tỷ lệ hoạt động giải ngân tại ĐGD xã đạt trên 97%, thu nợ trên 86%, thu lãi trên 98% trên tổng số giao dịch của các đơn vị.
Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh NHCSXH tỉnh, nhìn nhận: Thông qua việc triển khai các ĐGD xã được xem là giải pháp thiết thực trong cải cách thủ tục hành chính, tối ưu hóa thời gian giao dịch, thể hiện tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngân hàng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là người dân sinh sống ở khu vực miền núi, vùng nông thôn. Thời gian tới, đơn vị tập trung rà soát đối với những ĐGD có chất lượng tín dụng đạt thấp, thiếu ổn định; trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp củng cố, điều chỉnh và có hướng khắc phục kịp thời; đảm bảo các đối tượng thụ hưởng khi có nhu cầu và đủ điều kiện đều được giải quyết vốn vay theo quy định.
Hồng Lâm