Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp yêu cầu thực tiễn.
Đảng viên Lê Trung Việt, Nguyên Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, Hội nghị tổng kết chỉ diễn ra trong một buổi, nhưng đã cho cán bộ, đảng viên, người dân thấy được những việc làm ý nghĩa to lớn của Đảng trong 10 năm qua. Đây thực sự là một bước ngoặt quan trọng, sự vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng Đảng. 10 năm qua, có nhiều cán bộ, đảng viên tha hóa, thoái chất, tham nhũng bị đưa ra khỏi Đảng, thậm chí bị khởi tố, xử lý nghiêm. Đây thực sự đây là một bước tiến rất quan trọng của Đảng.
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Ảnh: Trí Dũng/TXVN
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém như một số chủ trương, chính sách còn kẽ hở để người khác lợi dụng, tạo cơ hội tham nhũng cho một số người. Ví dụ, về vấn đề sân sau thì địa phương nào cũng có, người dân, đảng viên nào cũng biết, nhưng họ có nói hay không. Cái ách tắc nhất là sự gương mẫu của người đứng đầu, nói không đi đôi với làm. Cụ thể như tỉnh Quảng Ngãi, cán bộ nói rất hay, hội nghị tổng kết rất tốt, nhưng lại không mang lại niềm tin cho dân. “Việc phòng, chống tham nhũng tại Trung ương đang rất nóng, nhưng tại địa phương Quảng Ngãi lại chưa nóng, phải chăng Quảng Ngãi không có tham nhũng hay vấn đề tham nhũng chưa được phát hiện, xử lý”, ông Việt bày tỏ.
Về vấn đề công tác cán bộ hiện nay, ông Việt hy vọng các cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ phải có hoài báo, ý chí, mục tiêu cách mạng, khi làm cán bộ thì phải đặt lợi ích của nhân dân lên trước mục đích cá nhân; phải trau chuốt, giữ gìn bản thân trước những cám dỗ, mua chuộc của lợi ích. Phải gương mẫu, nói đi đôi với làm.
Ông Việt rất đồng tình với việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Nhưng, để mang lại hiệu quả thì chính những người tham gia trong Ban phải thật sự trong sạch, không bao che, ai vi phạm thì phải bị xử lý nghiêm để nêu gương. Phải xem xét, kiểm tra những dư luận trong dân.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, ông Việt cho rằng chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ngãi cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, chú trọng thực hiện kiểm tra chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong công tác tự kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm trong chính cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình. Phát huy hơn nữa vai trò các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nhất là tội phạm liên quan đến tham nhũng.
Còn bà Thới Thị Huệ, trú xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, cho rằng Hội nghị thực sự đã mang lại lòng tin cho nhân dân đối với Đảng, Đảng có kiên quyết chống tham nhũng thì Nhà nước mới mạnh được. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống tham nhũng thành công thì bản thân bà mong Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn kiên quyết, mạnh mẽ như những năm gần đây, dù có những cán bộ chủ chốt bị xử lý, nhưng qua đó giúp nhân dân tin vào Đảng hơn.
Tại Quảng Ngãi, thời gian qua cũng có nhiều cán bộ, đảng viên tha hóa, tham nhũng, nhưng người dân vẫn đang chờ cơ quan chức năng có hình thức xử lý nghiêm minh hơn. Phải làm sao để những cán bộ trẻ phải sợ, qua đó tự giữ gìn bản thân trước, tránh xa tham nhũng.
Bà Huệ cho rằng, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; thu hồi tài sản tham nhũng tại Quảng Ngãi thời gian qua chưa công khai để dân biết, dân tin, tạo dư luận xấu trong dân là không tốt.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động các cơ quan tư pháp; đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các tệ nạn xã hội; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, được người dân quan tâm, theo dõi. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện, xử lý tham nhũng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ rõ nét trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo TTXVN/Báo Tin tức