Theo đó, dự thảo quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh gồm 7 chương, 57 điều. Quy định cụ thể về mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún..; các nguyên tắc và điều kiện bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất; giá đất cụ thể để tính bồi thường về đất; bồi thường về tài sản, thiệt hại về nhà, công trình khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất; trình tự, thủ tục thu hồi đất để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các khoản hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất…
Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị.
Tại buổi phản biện, các đại biểu thống nhất cao với sự cần thiết khi ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; đồng thời góp ý, phản biện một số vấn đề như: Cần cân nhắc thời điểm trình ban hành quy định trong giai đoạn này; lấy ý kiến của người dân về việc ban hành chính sách; có phương án lập quỹ đất tái định cư trước khi thực hiện giải phóng mặt bằng; điều chỉnh quy định liên quan đến việc hỗ trợ, bố trí diện tích đất tái định cư; cần có sự thống nhất trong việc xác định loại đất đảm bảo đúng quy định Luật Đất đai; đưa vai trò giám sát của MTTQ trong triển khai thực hiện.
Phát biểu kết luận tại buổi phản biện, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung dự thảo của cơ quan soạn thảo cũng như ý kiến tham gia phản biện thực tế và sâu sắc của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, chuyên gia, Hội đồng tư vấn. Để chính sách được ban hành phù hợp với quy định của pháp luật và có tính khả thi, đồng chí nhấn mạnh, cần tháo gỡ, giải quyết vướng mắc từ thực tiễn phát sinh xung quanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo nguyên tắc việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của người dân có đất bị thu hồi tối thiểu hoặc bằng lợi ích trước khi bị thu hồi đất. Đặc biệt công tác đền bù, tái định cư phải đi trước công tác giải phóng mặt bằng, phù hợp với điều kiện thể chế kinh tế địa phương; giải quyết cho người dân có đất thu hồi phải đạt lợi ích cao nhất, cùng với đó, phương án hữu hiệu, tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình triển khai thực hiện vẫn là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật xung quanh việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời, đồng chí đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu đầy đủ những ý kiến phản biện để bổ xung, điều chỉnh quy định và có phản hồi trước khi trình các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Kim Thùy