Tp. Phan Rang - Tháp Chàm: Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TU về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 29-6-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (Chỉ thị số 40-CT/TU), Thành ủy Phan Rang - Tháp Chàm tăng cường lãnh đạo, cả hệ thống chính trị vào cuộc, Nhân dân hưởng ứng tham gia, mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo của thành phố đạt kết quả quan trọng. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGD, XMC) luôn được củng cố, duy trì vững chắc theo từng mức độ.

Ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành, công tác tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TU được Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm chỉ đạo, triển khai nghiêm túc gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS; tăng cường phân luồng HS sau THCS và xóa mù cho người lớn. Các cấp ủy từ thành phố đến cơ sở tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCGD, XMC. UBND thành phố xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, duy trì công tác PCGD, XMC. Phân công phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ PCGD, XMC, nhất là việc nâng cao chất lượng hai mặt giáo dục, duy trì sĩ số học sinh (HS), hạn chế tình trạng HS lưu ban, bỏ học giữa chừng. Thành lập Ban Chỉ đạo công tác PCGD, XMC cấp thành phố thực hiện các nhiệm vụ nhằm duy trì, nâng cao chất lượng PCGD, XMC của từng đơn vị, địa phương. Đồng thời, UBND các phường, xã quan tâm củng cố hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện cho phong trào học tập thường xuyên cho cán bộ và Nhân dân, góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác PCGD, XMC được thực hiện thường xuyên và liên tục.

Học sinh trường TH Mỹ Bình (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) phấn khởi khi đến trường học. Ảnh: Văn Nỷ

Cùng với đó, công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên cũng được tiến hành thường xuyên, đúng quy định. Thành phố đã ưu tiên, phân bổ hợp lý ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục; mạng lưới trường, lớp được đầu tư cơ bản, bảo đảm theo hướng chuẩn hóa, được phân bổ trên khắp địa bàn, đáp ứng nhu cầu học tập. Từ năm 2017 đến nay, thành phố đã đầu tư 51,3 tỷ đồng xây mới phòng học cho các cơ sở công lập; sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị dạy học. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền tạo mọi điều kiện thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân thực hiện xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non ngoài công lập. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân mạnh thường quân đóng góp tiền, hiện vật hơn 11 tỷ đồng, qua đó, góp phần phát triển mạng lưới trường học ở các cấp học phát triển ngày càng nhiều, cơ sở vật chất được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân, góp phần giảm chi cho ngân sách nhà nước trên 38 tỷ đồng.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, kết quả thành phố duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 và đạt chuẩn PCGD, XMC mức độ 1. Tỷ lệ người biết chữ, từ 15-35 tuổi, mức độ 1: 98,01% (tăng 0,06%), mức độ 2: 94,42% (tăng 1,23%); từ 15-60 tuổi, mức độ 1: 96,99% (tăng 0,09%), mức 2: 91,39% (tăng 0,34% so với năm 2017). Thành phố duy trì đạt chuẩn XMC mức độ 1; 16/16 phường, xã đạt chuẩn XMC. Việc phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS được thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện, tạo điều kiện cho các em tiếp tục học tập nâng cao trình độ học vấn, định hướng nghề nghiệp. Từ năm 2018 đến nay, bình quân mỗi năm, 85% số lượng HS sau tốt nghiệp THCS tiếp tục học văn hóa tại các trường THPT và Trung tâm giáo dục thường xuyên; 11% số HS tham gia các lớp đào tạo nghề tại các trường nghề; 4% số HS còn lại tham gia thị trường lao động. Qua triển khai Chị thị số 40-CT/TU, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; cán bộ, đảng viên và Nhân dân nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tính cấp thiết của yêu cầu về đổi mới sự nghiệp giáo dục nói chung và công tác PCGD, XMC, phân luồng HS sau THCS nói riêng trong điều kiện, bối cảnh mới của hội nhập và phát triển.

Phát huy các kết quả đạt được, trong thời gian tới Tp. Phan Rang- Tháp Chàm tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của hệ thống chính trị về công tác PCGD, XMC, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân tích cực tham gia vào PCGD; công tác giáo dục nghề nghiệp; tăng cường huy động các nguồn lực tài chính và các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm cho việc tổ chức các hoạt động dạy học trong nhà trường theo hướng thực học, lý thuyết gắn với thực hành và thực tiễn, bảo đảm giáo dục cơ bản ở THCS, phục vụ cho giáo dục hướng nghiệp và phân luồng đạt hiệu quả. Duy trì triển khai các phong trào học tập suốt đời trong cơ quan, gia đình, dòng họ... khuyến khích Nhân dân tham gia học tập, nâng cao trình độ, góp phần phát triển kinh tế gia đình, địa phương.