Phát biểu tại Đại hội đồng Y tế thế giới ở Geneva (Thụy Sĩ), bà Briand nhấn mạnh hiện cần ưu tiên kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ ở các nước vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh này. Bà khẳng định thế giới vẫn còn cơ hội ngăn ngừa bệnh lan rộng hơn, đồng thời hối thúc người dân không nên lo lắng bởi tốc độ lây lan hiện nay chậm hơn nhiều so với các virus khác, chẳng hạn như virus corona.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Rosamund Lewis, chuyên gia phụ trách các bệnh đậu mùa trong chương trình khẩn cấp của WHO, hiện chưa cần tiến hành tiêm phòng trên quy mô lớn, nhưng cần tập trung vaccine cho những người tiếp xúc gần với các ca bệnh. Bà Lewis cho rằng việc điều tra các ca nhiễm, truy vết và cách ly tại nhà hiện là những biện pháp tốt nhất.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định mua chung vaccine và thuốc kháng virus chống bệnh đậu mùa khỉ vốn đang lây lan tại nhiều nước châu Âu. Theo nhật báo Dagens Nyheter, EU sẽ mua vaccine Imvanex của hãng dược phẩm Bavarian Nordic (Na Uy) và thuốc điều trị Tecovirimat của công ty Siga Technologies (Mỹ).
Imvanex là vaccine phòng bệnh đậu mùa, có liên quan rất gần với bệnh đậu mùa khỉ. Vaccine này đã được Mỹ cấp phép sử dụng để phòng cả đậu mùa và đậu mùa khỉ.
Đậu mùa khỉ lây nhiễm sau khi con người tiếp xúc với loài khỉ. Virus có thể xâm nhập qua vết thương ngoài da, đường hô hấp, mắt, mũi hoặc miệng, lây qua giọt bắn hô hấp hoặc dịch thể. Triệu chứng bệnh xuất hiện trong vòng 5 đến 21 ngày kể từ khi nhiễm virus, bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và mệt mỏi.
Bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ, hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng vài tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bệnh này vẫn có thể gây tử vong. WHO cho biết virus gây bệnh đậu mùa khỉ hiện đã lan ra hơn 20 quốc gia trên thế giới với hơn 200 ca nhiễm và nghi nhiễm.
Theo TTXVN/Báo Tin tức