Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững, ngày 20-5-2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2131/KH-UBND về đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững, ngày 20-5-2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2131/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV và Chương trình hành động số 428-CTr/BCSĐ ngày 29-6-2021 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Bim Group đầu tư năng lượng Điện gió tại xã Phước Minh (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ

Mục tiêu của kế hoạch phấn đấu đến năm 2025, là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Về chỉ tiêu cụ thể: Trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 10-11%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng các ngành: Nông, lâm, thủy sản 3-4%/năm; công nghiệp - xây dựng 17-18%/năm; dịch vụ 10-11%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 100-105 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn các thành phần kinh tế và dân cư chiếm khoảng 82-83%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm đạt 10-11%. Đến năm 2025, quy mô nền kinh tế tăng 1,9 lần so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người đạt 113-115 triệu đồng/người. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, thủy sản chiếm 18-19%; công nghiệp - xây dựng chiếm 42-43%; dịch vụ 39-40%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 33%. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 44-45%; tỷ trọng kinh tế số bằng mức bình quân chung của cả nước.

Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu trên, kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các khâu đột phá về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); trọng tâm là hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp chế biến; các dự án năng lượng; trung tâm điện khí LNG Cà Ná quy mô 6.000 MW; đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải; phát triển công nghiệp đóng tàu và các dịch vụ logistics ở khu vực phía Nam; hình thành trung tâm bảo trì, bảo dưỡng điện gió, điện mặt trời, điện khí, cung cấp thiết bị ngành năng lượng tái tạo. Đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng và tăng cường thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, nâng tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp. Đẩy mạnh khai thác nguồn thu từ đất đai để trở thành một trong những nguồn thu chủ lực trong nguồn thu cân đối của tỉnh. Phối hợp với các địa phương trong đầu tư xây dựng thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) đạt đô thị loại IV; nâng chất lượng các đô thị: Phước Dân (Ninh Phước), Khánh Hải (Ninh Hải); phát triển các đô thị mới: Cà Ná (Thuận Nam), Vĩnh Hy, Thanh Hải (Ninh Hải) và các thị trấn: Lợi Hải (Thuận Bắc), Phước Nam (Thuận Nam), Phước Đại (Bác Ái). Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 43%; kinh tế đô thị chiếm 75% GRDP của tỉnh; ngành nông lâm thủy sản chiếm 18-19% GRDP của tỉnh, trong đó ngành nông lâm nghiệp chiếm 44-45%; thủy sản chiếm 55-56% trong cơ cấu nội bộ ngành; ngành công nghiệp chiếm 29-30% GRDP của tỉnh; tổng thu ngân sách đạt 6.400-6.500 tỷ đồng, tăng bình quân 12-13%/năm, bảo đảm cân đối được chi thường xuyên của ngân sách tỉnh.

Công trình Cảng tổng hợp Cà Ná. Ảnh: V.Nỷ

Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng. Tăng cường công khai, minh bạch các thông tin có liên quan đến đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, lao động, thị trường, ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số...; chủ động gặp gỡ doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp tại địa phương; có giải pháp kịp thời, hiệu quả nâng cao tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin. Kêt hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; trọng tâm cải thiện mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững về điểm số và thứ hạng của các chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI, ICT, SIPAS...

Trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra, UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, các đơn vị ngành dọc cấp tỉnh, các đơn vị lực lượng vũ trang cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ được phân công, chủ động chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể hoặc bổ sung chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 và kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025 để tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Tỉnh ủy. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan, theo dõi, đôn đốc việc xây dựng, triển khai và kết quả tổ chức thực hiện, định kỳ hằng năm tham mưu báo cáo UBND tỉnh theo quy định. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận xã hội, phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch đề ra.