Làn sóng bùng phát COVID-19 mới tại Mỹ đang lan ra khỏi phạm vi vùng đông bắc, khi nhiều bang ở Trung Tây cho tới Florida, California đều đang chịu sức ép về gia tăng ca nhiễm mới. Theo số liệu cập nhật của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, số ca nhiễm mới tính theo mức bình quân trong bảy ngày hiện đứng ở mức 94.000 ca/ngày, cao gấp bốn lần so với hồi cuối tháng 3 vừa qua.
Tỉ lệ miễn dịch cộng đồng cao giúp giảm nguy cơ nhập viện, nhưng giới chức liên bang ngày 18/5 đã phải lên tiếng kêu gọi người dân ở những khu vực “nóng” về lây nhiễm cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa, từ tiêm mũi tăng cường cho tới xét nghiệm trước khi tụ tập đông người, đeo khẩu trang, để hạn chế đà lây lan của virus.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Quảng trường Thời đại ở thành phố New York. Ảnh: Getty Images
“Chúng ta sẽ phải làm những gì trong khả năng để ngăn chặn lây nhiễm, để bảo đảm rằng lây nhiễm không chuyển thành các ca bệnh nặng”, Ashish Jha – điều phối viên Nhà Trắng phụ trách mảng phòng chống COVID-19, phát biểu ngày 18/5.
Số ca nhiễm tăng nhanh chưa kéo theo bùng phát ca bệnh nặng ở mức độ tương ứng. Số ca nhập viện trung bình trong tuần từ 12-18/5 là 18.550 ca/ngày, tăng so với mức 10.000 ca/ngày hồi giữa tháng 4, nhưng thấp hơn nhiều so với mức 150.000 ca/ngày ở thời điểm địch dịch tháng 1 vừa qua. Số ca tử vong cũng giảm xuống dưới 300 ca/ngày, mức thấp nhất kể từ mùa hè năm ngoái.
Tuy nhiên, giới chuyên gia dịch tễ và y tế công nhận định số ca mắc mới tăng vẫn gây ra những đứt gãy và tiềm ẩn nguy cơ y tế, trong đó có việc xuất hiện các triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài. Dịch bệnh càng lan rộng, càng dễ xuất hiện nguy cơ lây nhiễm cao với nhóm dễ bị tổn thương, như người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu, cùng với đó là khả năng liên tục đột biến của virus.
Số ca nhiễm phải nhập viện tại Mỹ hiện thấp hơn nhiều so với thời đỉnh dịch hồi tháng 1 vừa qua. Ảnh: WSJ
“Vaccine rất hiệu quả trong giảm triệu chứng bệnh nặng cũng như tử vong, nhưng vaccine không diệt trừ được dịch bệnh, không thể chặn tử vong tuyệt đối. Vì thế, giảm lây nhiễm, giảm số ca mắc mới là việc làm có ý nghĩa quan trọng”, Julia Raifman – giáo sư trợ giảng tại Đại học Y tế cộng Đồng Boston (Mỹ), nhận định.
Xu hướng tăng lây nhiễm bắt đầu từ cuối tháng 3 ở vùng đông bắc, với sự xuất hiện của biến thể phụ BA.2 của Omicron có khả năng lây lan nhanh. Theo dữ liệu đo lường cập nhật của CDC, số hạt thuộc diện “nguy cơ cao” tại Mỹ là 137 hạt tính tới tuần kết thúc ngày 12/5, tăng so với con số 79 hạt một tuần trước đó và tăng mạnh so với mức 14 hạt hồi trung tuần tháng 4. Tại những khu vực này, mọi người dân được khuyến cáo nên đeo khẩu trang tại nơi công cộng, không gian trong nhà.
Bên cạnh đó còn có 456 hạt thuộc diện nguy cơ “trung bình”, nơi người dân được CDC khuyến nghị thực hiện các biện pháp phòng dịch căn cứ vào nguy cơ của bản thân. Giám đốc CDC Rochelle Walensky ngày 18/5 cho biết có khoảng 1/3 dân số Mỹ đang sinh sống tại những khu vực cần xem xét đeo khẩu trang khi ở môi trường công cộng trong nhà hoặc tự áp dụng biện pháp phòng ngừa.
Chính quyền tại nhiều khu đô thị tập trung đông dân như Los Angeles, thành phố New York hay Chicago đều khuyến khích người dân đeo khẩu trang, nhưng chưa tái áp dụng quy định bắt buộc. Số ca nhập viện tại thành phố New York đã lên mức “báo động cao” trong ngày 18/5, những vẫn thấp hơn nhiều so với thời điểm đỉnh dịch hồi mùa đông vừa qua.
Cùng với khu vực đông bắc, một số bang miền Trung Tây như Illinois, Wisconsin và Michigan cũng gia nhập danh sách địa bàn có tỉ lệ lây nhiễm cao tính trên 100.000 dân. Những bang khác như Florida cũng ghi nhận xu hướng ca mắc mới tăng.
Thách thức mới nhất trong đợt lây nhiễm lần này là BA.2.12.1, một biến thể phụ của Omicron, có khả năng lây lan mạnh hơn, lẩn tránh tốt hơn khả năng miễn dịch từ tiêm vaccine hay đã bị nhiễm trước đó. BA.2.12.1 hiện là biến thể gây ra gần 50% số ca nhiễm mới, gần 50% số trường hợp còn lại là do biến thể BA.2.
Theo TTXVN/Báo Tin tức