Theo dự thảo kế hoạch, EC đề xuất nhiều luật, các kế hoạch không ràng buộc và những đề xuất cho các chính phủ các nước thành viên, trong đó có cả việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng vốn phục hồi hậu COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU) để phục vụ chuyển đổi sử dụng năng lượng. Với giá trị 195 tỷ euro, đây là khoản đầu tư lớn nhất trong gói ngân sách dự chi cho việc thực hiện mục tiêu khí hậu của khối vào năm 2030, trong đó có thể giúp giảm chi phí nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.
Để thúc đẩy kế hoạch này, Brussels đang cân nhắc đề xuất các mục tiêu cao hơn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả. Các mục tiêu được thảo luận bao gồm nâng mức đóng góp của năng lượng tái tạo lên 45% vào năm 2030, cao hơn mức 40% hiện nay và cắt giảm 13% năng lượng tiêu thụ trên toàn EU vào năm 2030. Bên cạnh đó, kế hoạch trên còn có một số đề xuất điều chỉnh luật EU để đẩy nhanh việc cấp phép một số dự án năng lượng tái tạo và các cơ chế mới để đẩy mạnh triển khai năng lượng mặt trời trên diện rộng và tái thiết ngành sản xuất năng lượng mặt trời ở châu Âu.
Giếng lọc dầu ở gần sông Irtysh ở Omsk, Tây Nam Siberia, Nga. Ảnh: Nsenergy Business/TTXVN
Brussels cũng đề ra các kế hoạch sản xuất 10 triệu tấn năng lượng hydrogen có thể tái tạo vào năm 2030 và nhập khẩu 10 triệu tấn năng lượng này dựa trên quy định mới về phân loại năng lượng hydrogen. EC còn đánh giá tiềm năng tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ các nước ngoài Nga gồm Ai Cập, Israel và Nigeria, cộng với cơ sở vật chất cần thiết để thay thế nhập khẩu từ Nga.
Theo TTXVN/Báo Tin tức