Tổng thống Putin nêu hậu quả của các lệnh trừng phạt Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/5 tuyên bố các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt chống Moskva là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Theo ông Putin, Nga đã thành công trong việc đối phó với các hạn chế do các lệnh trừng phạt gây ra. Ông cũng nhấn mạnh việc phương Tây tiếp tục bị ám ảnh bởi các lệnh trừng phạt sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với người dân Liên minh châu Âu (EU) và các nước nghèo nhất thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ông Putin nói: “Các biện pháp trừng phạt này phần lớn kích động cuộc khủng hoảng toàn cầu". Ông khẳng định rằng các nước áp trừng phạt đã đánh vào lợi ích quốc gia của họ, vào nền kinh tế của họ, đến hạnh phúc của người dân họ. Bằng chứng là lạm phát gia tăng mạnh ở châu Âu. Tổng thống Nga chỉ ra rằng ở một số quốc gia, lạm phát đã lên tới gần 20%/năm, và ở khu vực đồng euro nói chung, giá hàng hóa đã tăng giá hơn 11%.

Ngày 5/5, Đại sứ Nga tại Mỹ cho biết các biện pháp phương Tây gây áp lực lên Nga đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng xuất khẩu nhiều loại hàng hóa của Nga, khiến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trở nên trầm trọng hơn. Ông nhấn mạnh Nga tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình trong việc cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, phân bón và năng lượng cho thị trường, bất chấp các hạn chế.

Cũng trong ngày 12/5, các quan chức tài chính Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã cảnh báo tác động tiêu cực từ cuộc xung đột tại Ukraine đối với tốc độ phục hồi kinh tế khu vực.

Trong tuyên bố chung sau hội nghị trực tuyến, các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho biết các bên nhất trí tăng cường hợp tác tài chính khu vực để khắc phục hậu quả từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, cũng như đại dịch COVID-19. Ngoài ra, giá lương thực và năng lượng tăng cao "có thể gây ra những rủi ro tiêu cực đối với triển vọng thương mại và đầu tư, tăng trưởng cũng như lạm phát của khu vực".

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên họp của Hội đồng cố vấn Quốc hội ở Saint Petersburg ngày 27/4/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu với báo giới sau hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nhấn mạnh thách thức mà các nền kinh tế ở châu Á phải đối mặt phần lớn do cuộc xung đột Nga- Ukraine gây ra.

Ngoài ra, tuyên bố cũng khẳng định sự bất ổn liên quan nền kinh tế toàn cầu làm nổi bật tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác tài chính khu vực thông qua Thỏa thuận về Đa phương hóa Sáng kiến Chiêng Mai (CMIM). CMIM là thể thức hỗ trợ thanh khoản bằng USD của khu vực ASEAN+3 (cơ chế hợp tác giữa ASEAN và ba quốc gia Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc) với quy mô cam kết lên đến 240 tỷ USD được thực hiện thông qua các giao dịch hoán đổi tiền tệ giữa các Ngân hàng trung ương để các thành viên CMIM giải quyết khó khăn khẩn cấp về cán cân thanh toán và thanh khoản USD trong ngắn hạn, thực hiện mục tiêu ổn định tiền tệ và kinh tế vĩ mô.

Trước đó, cùng ngày, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc có hội nghị trực tuyến riêng rẽ, và cho rằng 'cần duy trì thận trọng" trước các rủi ro, trong đó có bất ổn do căng thẳng Nga - Ukraine gây ra.

Theo TTXVN/Báo Tin tức