Sức sống mới ở Phước Bình

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân xã Phước Bình (Bác Ái) đã lập nên những chiến công hiển hách. Đặc biệt, anh hùng Pinăng Tắc, với “bẫy đá” đánh giặc đã đi vào huyền thoại lịch sử đấu tranh của dân tộc, viết lên trang sử hào hùng của đồng bào Raglai.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, xã Phước Bình đã vươn lên trở thành điểm sáng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế. Nhờ đó, đã giúp diện mạo nông thôn mới (NTM) ở địa phương ngày càng phát triển đi lên, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao...

Về Phước Bình trong những ngày đầu tháng Tư lịch sử, chúng tôi chứng kiến sự đổi thay của một xã miền núi ngày nào còn khó khăn về kinh tế và hệ thống giao thông nơi đây. Thay vào đó là một Phước Bình đổi mới, có bước phát triển nhanh chóng, vượt bậc. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người đạt trên 19 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,42%; 6/6 thôn được công nhận thôn văn hóa, trên 90% các tuyến đường nội thôn được bê tông sạch sẽ, rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Là xã có địa hình phức tạp, 4 bề đều là núi, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của bà con ít, chủ yếu là đất rẫy. Từ năm 2005, khi Tỉnh lộ 707 được nâng cấp tạo sức bật cho vùng đất anh hùng Phước Bình phát triển. Đảng ủy, UBND xã Phước Bình đã tập trung trí tuệ tập thể và nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc giám sát, giúp đỡ nhân dân thoát nghèo. Với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 28.800 ha; trong đó, đất nông nghiệp gần 2.500 ha nhưng chủ yếu là đất đồi núi, nguồn nước tưới chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa, nên xã xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất là lời giải cho bài toán tăng thu nhập cho người dân.

Nhờ chuyển sang trồng bưởi da xanh mà kinh tế của bà con xã Phước Bình ngày càng nâng cao. Ảnh: Lê Thi

Thời gian qua, xã đã vận động bà con chuyển đổi hàng nghìn ha đất dốc trồng bắp và lúa rẫy kém hiệu quả sang trồng các loại cây chịu hạn như chuối, mít ruột đỏ, bưởi da xanh, sầu riêng... nhờ đó đến nay đã trở thành địa phương dẫn đầu của huyện Bác Ái trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện toàn xã đã phát triển vùng cây lâu năm có giá trị kinh tế cao lên đến 1.838 ha với các loại cây trồng như: Điều, bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt... Trong đó, có hơn 200 ha bưởi trong thời kỳ thu hoạch, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế.

Đồng chí Phạm Phùng Bảo Châu, Chủ tịch UBND xã Phước Bình, cho biết: Những năm qua, địa phương được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu tư hạ tầng đường giao thông, nguồn vốn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả tích cực. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa làm thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ của bà con, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng bền vững. Qua đó, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở địa phương và từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh qua từng năm, trong năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,46%.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay Phước Bình đã đạt 15/19 tiêu chí NTM. Về Phước Bình hôm nay dễ dàng nhận ra nhiều ngôi nhà mới khang trang xây dựng dọc hai bên đường, điện sáng đến từng nhà dân, 92% hộ có nước sạch sinh hoạt, 90% hộ có ti vi, xe máy... Đồng chí Phạm Phùng Bảo Châu cho biết thêm: Các thế hệ người dân Bác Ái nói chung và người dân xã Phước Bình nói riêng luôn tự hào về truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, về tất cả những gì mà các thế hệ cha anh đã gây dựng nên bằng máu, mồ hôi, công sức và trí tuệ trên mảnh đất này để có ngày hôm nay. Phát huy truyền thống của vùng đất anh hùng, thời gian tới xã tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tiềm năng và điều kiện khí hậu, thổ những của địa phương. Tập trung phát triển gắn kết giữa vườn cây ăn quả với du lịch sinh thái vườn, góp phần xây dựng thương hiệu trái cây Phước Bình. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển và mở rộng nhu cầu sản xuất, kinh doanh nhằm thu mua nông sản của nông dân và kết nối thị trường.

Tin rằng, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân, trong một thời gian không xa, xã Phước Bình sẽ mở ra triển vọng mới về sản xuất nông nghiệp; cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, biến vùng đất anh hùng thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.