Tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh

UBND tỉnh vừa có công văn gửi các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo về việc tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh theo Công văn số 1083/BVHTTDL-DSVH ngày 31-3-2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các mục tiêu, giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa theo Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025; thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa và các quy định về đầu tư, xây dựng khi triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (bất kể các dự án được triển khai bằng nguồn vốn đầu tư nào); tăng cường phát huy vai trò giám sát của cộng đồng để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những sai sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai các dự án tu bổ di tích, tránh để xảy ra sai phạm sau đó mới xử lý nhằm bảo vệ tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, kể cả đối với những di tích chưa được xếp hạng.

Một góc khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp PoKlong Garai (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích cho các cán bộ cấp huyện, xã có liên quan và người trực tiếp trông coi di tích; cũng như đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong hoạt động này, kiên quyết xử lý các vụ việc vi phạm làm ảnh hưởng tới giá trị di tích; tổ chức tuyên truyền rộng rãi về giá trị của di tích, lý do bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và công khai nội dung dự án tu bổ di tích trước khi triển khai để Nhân dân được biết, tham gia, đóng góp ý kiến nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của xã hội về việc thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Khi hoàn thành dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; cần có hình thức thích hợp để giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật của di tích, ngày khởi công, ngày hoàn thành, các tổ chức, cá nhân đóng góp tài chính, đơn vị thi công...