Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi

Với đặc thù là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, trong đó có một bộ phận lớn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng miền núi như: Dân tộc Raglai, K’Ho và Chu Ru... 30 năm qua, tỉnh ta có nhiều chủ trương, chính sách triển khai kịp thời, hiệu quả đã mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh ta có diện tích tự nhiên 3.358 km2, toàn tỉnh có 6 huyện và 1 thành phố, trong đó, huyện Bác Ái thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Trước năm 1992, bà con sống du canh, du cư, đời sống kinh tế chủ yếu từ trồng trọt, chăn nuôi. Cây trồng chính là lúa, bắp, mỳ, đậu, điều kiện canh tác phụ thuộc vào thiên nhiên. Hình thức sản xuất tự cung, tự cấp còn khá phổ biến, dân trí thấp, đời sống kinh tế khó khăn, thường xuyên thiếu đói giáp hạt. Cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông đến trung tâm các xã miền núi đều là đường đất và qua nhiều đốc núi, khe suối, thường xuyên bị chia cắt, đi lại rất khó khăn, hầu hết các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới, các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và cấp nước sinh hoạt chưa được đầu tư, cơ sở giáo dục còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, trang thiết bị y tế lạc hậu, đội ngũ cán bộ y tế vừa thiếu, vừa yếu.

Sau ngày tái lập tỉnh (4-1992), Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân tộc. Cùng với sự nỗ lực chung của đại gia đình các dân tộc anh em trong tỉnh đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư, thông qua các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, đến nay kinh tế - xã hội miền núi có bước phát triển đáng kể và tương đối toàn diện trên các mặt; kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, chợ, giao thông, thủy lợi không ngừng được cải thiện. Các tuyến đường đến trung tâm xã đã được nhựa hóa, nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã được đầu tư hoàn thiện, đi lại thông suốt. Hệ thống thủy lợi, chợ nông thôn được đầu tư và đi vào hoạt động.  Đến nay, các xã miền núi được đầu tư khá hoàn chỉnh, kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% số thôn có điện lưới quốc gia, trên 83% hộ dân được sử dụng nước sạch.  Giáo dục miền núi không ngừng được phát triển, các thôn, xã đều có cơ sở nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường THCS, các huyện miền núi, vùng DTTS đều có trường THPT, đội ngũ giáo viên từ chỗ thiếu, yếu, đã ổn định về số lượng, phần lớn đã được chuẩn hóa, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư, các huyện miền núi đều có bệnh viện đa khoa khu vực, tất cả các xã đều có trạm y tế.

Trung tâm huyện Bác Ái hôm nay. Ảnh: V.Nỷ

Được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, cùng với các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước như: Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới... bà con vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, sản xuất lúa nước, trồng cây ăn trái kết hợp du lịch, qua đó từng bước nâng cao đời sống đời sống vật chất, tinh thần, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện còn 14,46%, giảm 15,54% so với năm 2010, bình quân hàng năm giảm 3-4%, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 30,4 triệu đồng cuối năm 2021, tăng 23,4 triệu đồng so với năm 2010. Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, kiện toàn. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Niềm tin của đồng bào DTTS miền núi đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố.

Qua 30 năm xây dựng và phát triển, bộ mặt nông thôn miền núi đã thực sự thay đổi, khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng lên, ngày càng củng cố thêm niềm tin, sự đồng thuận của bà con vùng đồng bào DTTS đối với đường lối đổi mới của tỉnh nhà.