Giá lương thực thế giới liên tiếp tăng cao trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine xảy ra kéo theo các biện pháp trừng phạt, khiến chuỗi cung ứng vốn gián đoạn do đại dịch lại càng nghiêm trọng hơn. Liên hợp quốc và các tổ chức đa phương kêu gọi phối hợp hành động khẩn cấp nhằm giảm bớt rủi ro, ngăn chặn nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực thế giới đã “lập kỷ lục mới” trong tháng 3 vừa qua, một phần nguyên nhân là xuất khẩu ngũ cốc và dầu ăn bị gián đoạn.
FAO nêu rõ, Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về ngô, lúa mì, lúa mạch và dầu hướng dương, nên căng thẳng giữa hai nước đã làm đình trệ hoạt động xuất khẩu các mặt hàng trên. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ước tính, sản xuất ngũ cốc của Nga và Ukraine chiếm 6% tổng sản lượng của thế giới và xuất khẩu chiếm 16% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu. Nga và Ukraine cũng là nhà cung cấp phân bón, thức ăn chăn nuôi quan trọng trên thế giới.
Thu hoạch lúa mì tại vùng Stavropol, miền nam nước Nga.
Hãng tin Bloomberg dẫn các báo cáo phân tích nhận định rằng, hoạt động thương mại về ngũ cốc toàn cầu có nguy cơ cao bị gián đoạn do thiếu nguồn cung quan trọng từ Nga và Ukraine. Ðây có thể là một trong những hệ lụy nghiêm trọng nhất từ cuộc xung đột hiện nay.
Các chuyên gia dự báo, một nửa lượng ngô mà Ukraine đã lên kế hoạch xuất khẩu khó có thể được bàn giao, khi các chuyến hàng ngũ cốc từ Nga và Ukraine ngày càng khó khăn hơn do xung đột. Thực tế trên càng làm tăng lo ngại về rủi ro đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Trước thềm Hội nghị mùa xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), ngày 13/4, nhóm các tổ chức đa phương hàng đầu gồm IMF, WB, WTO và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã ra tuyên bố chung kêu gọi hành động khẩn cấp. Tuyên bố chung nêu rõ: Thế giới đang rung chuyển bởi các cuộc khủng hoảng, xung đột Nga-Ukraine làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, khiến nguồn cung thiếu hụt, đẩy giá các mặt hàng chủ lực tăng cao và hàng triệu người có nguy cơ rơi vào cảnh đói. Trong đó, các nước nghèo chịu tác động lớn nhất do nhập khẩu lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng cao trong tiêu dùng; các nước đang phát triển, có thu nhập mức trung bình và là nơi tập trung nhiều người nghèo của thế giới cũng trở nên dễ bị tổn thương hơn.
WB, IMF, WTO và WFP kêu gọi khẩn trương hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương, thông qua phối hợp hành động cung cấp lương thực khẩn cấp, viện trợ tài chính, tăng cường sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy thương mại. Các tổ chức đa phương cam kết hợp tác về chuyên môn, phối hợp về nguồn tài chính để nhanh chóng và đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, nhất là với các nhu cầu cấp thiết về tài chính. Các tổ chức cũng nêu khả năng giảm thiểu áp lực thanh toán, tăng cường phối hợp với các nước nhằm duy trì dòng chảy thương mại tự do, tránh các biện pháp hạn chế xuất khẩu, cũng như giám sát lỗ hổng trong các chuỗi cung ứng.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, thế giới hiện có hơn 275 triệu người đối mặt nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Mục tiêu cấp bách tại Hội nghị mùa xuân sắp tới của IMF và WB là tìm ra giải pháp khả thi nhằm hỗ trợ các quốc gia, trợ giúp người nghèo, những người phải dành phần lớn thu nhập để mua thực phẩm. Trong đó, các ngân hàng phát triển đa phương duy trì và tăng cường cấp tài chính cho sản xuất lương thực, đẩy mạnh thương mại và cải thiện hệ thống cung ứng lương thực, thực phẩm.
Gợi mở những cách thức nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực toàn cầu và giảm áp lực từ giá cả tăng cao, giới chuyên gia cho rằng, đa dạng hóa nguồn cung là lựa chọn thích hợp trong bối cảnh hiện nay. Các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức đa phương có thể phối hợp tìm kiếm các nguồn dự trữ dư thừa để phân phối tới các quốc gia dễ bị tổn thương. Cùng việc phân bổ ngân sách giúp tăng sản lượng lương thực, các chiến dịch thúc đẩy giảm lãng phí thực phẩm, từ sản xuất đến tiêu dùng, cũng là giải pháp giảm tác động từ “cú sốc” về nguồn cung và giá lương thực.
Theo Báo Nhân Dân