Những quốc gia đang bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới

Các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran trong 10 năm qua đã được thực hiện với Nga chỉ trong 10 ngày.

Hàng nghìn biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga kể từ năm 2014 từ Mỹ và các đồng minh đã đưa nước này vào vị trí hàng đầu trong danh sách các quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất hành tinh.

Nga đã vượt qua các quốc gia khác như Iran, Syria và Triều Tiên, vốn được biết đến như là những mục tiêu bị trừng phạt nhiều nhất. Các biện pháp trừng phạt nhằm vào nhiều cá nhân, công ty, tổ chức, tịch thu tài sản và thậm chí là đóng băng dự trữ ngoại tệ của đất nước.

Cảnh sát phong toả quảng trường Đỏ hôm 24/2, ngày Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Ảnh: AFP/Getty

Dưới đây là tổng hợp của đài RT (Nga) về những quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất hiện nay.

Nga

Moskva cho biết hiện họ đang là mục tiêu của hơn 6.000 hạn chế khác nhau. Con số đó vượt qua số hạn chế mà cả Iran, Venezuela, Myanmar và Cuba cộng lại phải hứng chịu. Các quốc gia châu Âu, vốn có truyền thống cảnh giác hơn với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt, hiện đang dẫn đầu trong thực hiện các lệnh trừng phạt, thậm chí vượt qua Mỹ trong một số trường hợp.

Theo một số nhà kinh tế, Nga hiện là mục tiêu lớn nhất của các lệnh trừng phạt toàn cầu. Cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Peter Piatetsky cho biết, các biện pháp kinh tế nhằm vào Iran trong 10 năm qua đã được thực hiện trong vòng 10 ngày chống lại Nga. Ông Piatetsky gọi đó là “một cuộc chiến tranh hạt nhân tài chính và sự kiệt trừng phạt lớn nhất trong lịch sử”.

Các biện pháp trừng phạt được triển khai cho đến nay nhằm vào khu vực tài chính, dự trữ ngân hàng trung ương, nguồn cung cấp năng lượng, các công ty lớn, Tổng thống Vladimir Putin, các con gái của ông, các quan chức chính phủ và các cá nhân khác. Mỹ và EU nói rằng sẽ áp đặt thêm nhiều lệnh trừng phạt hơn nữa.

Iran

Từng là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, Iran đã nằm trong tầm ngắm của Washington kể từ năm 1979. Tehran đã phải đối mặt với 3.616 biện pháp trừng phạt chỉ trong một thập kỷ qua – theo dữ liệu của cơ sở dữ liệu theo dõi các biện pháp trừng phạt toàn cầu Castellum.

Các biện pháp trừng phạt được áp dụng chủ yếu liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của đất nước. Vào năm 2018, các ngân hàng của Iran đã bị cắt khỏi hệ thống thanh toán SWIFT. Năm 2020, Washington đã áp dụng nhiều biện pháp hơn đối với các ngân hàng Iran. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế của quốc gia này đã tăng trưởng 2,4% trong giai đoạn 2020-21 và dự báo tăng 3,1% vào năm 2021-22.

Syria

Đất nước bị chiến tranh tàn phá, từng chống chọi với chủ nghĩa khủng bố quốc tế kể từ năm 2011, đã phải hứng chịu một loạt lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ, EU và một số quốc gia Arab. Hầu hết các biện pháp trừng phạt được áp đặt sau năm 2011. Theo danh sách của Castellum, Syria hứng chịu tổng cộng 2.608 lệnh trừng phạt chống lại nước này. Tổng thống Syria Bashar Assad cho rằng các hạn chế này là "vô nhân đạo" và "bất hợp pháp".

Triều Tiên

Quốc gia Đông Bắc Á này đã bị Liên hợp quốc trừng phạt từ năm 2006 vì các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Các biện pháp bao gồm trừng phạt nhằm các cá nhân và công ty. Danh sách của Castellum cho thấy Triều Tiên đã chịu 2.077 lệnh trừng phạt tính đến tháng 3 vừa qua. Trong tháng 4 này, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, cáo buộc nước này phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và chương trình tên lửa đạn đạo.

Venezuela

Nền kinh tế của Venezuela đã phải chịu áp lực nghiêm trọng trong những năm qua, và tình hình xấu đi nghiêm trọng sau khi Mỹ giáng đòn trừng phạt vào nước này từ năm 2019. Các biện pháp nhắm vào các doanh nghiệp và tổ chức dầu mỏ liên kết với chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro, ở cả trong và ngoài nước. Các hình phạt hiện tại đã đưa Venezuela lên vị trí thứ năm trong bảng xếp hạng toàn cầu về các quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất. Theo Castellum, quốc gia Nam Mỹ này chịu 651 lệnh trừng phạt.

Myanmar

Quốc gia Đông Nam Á này đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ và các quốc gia khác với lý do đưa ra là vi phạm nhân quyền. Vào tháng 1 năm nay, một năm cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ của Myanmar, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ (OFAC) đã trừng phạt 7 cá nhân và hai thực thể có liên quan đến chế độ cầm quyền quân sự Myanmar.

Dữ liệu của Castellum cho thấy Myanmar hứng chịu 510 lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, danh sách này dường như đã được mở rộng kể từ khi Mỹ, Anh và Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt phối hợp mới nhằm vào nước này trong tháng 3/2022, tập trung vào các quan chức quân sự cấp cao.

Cuba

Đảo quốc vùng Caribe, Cuba, là quốc gia cuối cùng trong danh sách với 208 lệnh trừng phạt. Cuba đã hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ trong hơn 60 năm qia, gây ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Các lệnh trừng phạt mà Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đưa ra vào năm 1962 nhằm mục đích cô lập Cuba.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Cuba là một trong những cơ chế tẩy chay kéo dài nhất trên thế giới của một quốc gia chống lại quốc gia khác. Đảo quốc Cuba phải nhập khẩu 80% những gì họ tiêu thụ. Ngày 28/5/2021, các nhà lập pháp Cuba đã ra tuyên bố chỉ trích lệnh cấm vận kéo dài suốt 6 thập kỷ của Mỹ đối với hòn đảo này. Tuyên bố khẳng đinh: "Các biện pháp phong tỏa là cuộc chiến toàn diện, không bình đẳng và kéo dài nhất từng được phát động chống lại bất kỳ quốc gia nào. Nó vi phạm luật pháp quốc tế cũng như các mục đích và nguyên tắc được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc."

Theo TTXVN/Báo Tin tức