Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Ottawa, ông Luis Silva - chuyên gia về quan hệ chính phủ, khẳng định chuyến thăm của Ngoại trưởng Joly là tín hiệu cho thấy Canada coi trọng quan hệ song phương với Việt Nam. Đầu năm nay, Canada và Việt Nam đã thành lập Ủy ban hỗn hợp về kinh tế (JEC) nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước.
Nền kinh tế của Canada phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế. Tuy nhiên, tỷ trọng thương mại trong GDP của Canada đã giảm từ 65% năm 2016 xuống 60% vào năm 2021. Trong khi đó, Việt Nam là một thị trường đang phát triển đối với thương mại và đầu tư ở Đông Nam Á. Ông Luis Silva nhận định Việt Nam sẽ là một đối tác chiến lược hấp dẫn đối với Canada, trong bối cảnh hợp tác kinh tế sẽ đem lại lợi ích cho cả hai nước.
Ngoại trưởng Canada tại cuộc họp báo ở Ottawa, Canada. Ảnh: AFP/TTXVN
Mục đích chính của chuyến công du Việt Nam lần này của bà Joly là để nhấn mạnh mối quan hệ song phương lâu đời của Canada và Việt Nam trong quá trình tiến tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023. Gần nửa thế kỷ qua đã chứng kiến những bước tiến lớn trong quan hệ Việt Nam-Canada. Khi Canada và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, chiến tranh vẫn đang diễn ra ở Việt Nam. Hiện nay Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Canada ở Đông Nam Á, góp phần kiến tạo sự thịnh vượng kinh tế ở cả hai quốc gia.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Canada tiếp tục phát triển bất chấp đại dịch, với kim ngạch trao đổi thương mại trong năm 2021 vượt 6 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020. Canada nằm trong số 5 điểm đến du học hàng đầu của sinh viên Việt Nam, trong khi Việt Nam hiện đứng đầu Đông Nam Á và thuộc Top 5 toàn cầu về nguồn du học sinh quốc tế tại quốc gia Bắc Mỹ này. Ông Silva bày tỏ tin tưởng hợp tác song phương giữa Canada và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai.
Cùng chia sẻ quan điểm trên, ông David Johnson, Giám đốc Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam nói: "Trong bối cảnh Việt Nam áp dụng chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi, hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và Canada sẽ được tăng cường. Các doanh nghiệp Canada kỳ vọng chuyến công du Việt Nam của Ngoại trưởng Mélanie Joly sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, đầu tư, giao lưu nhân dân,…".
Mở rộng thương mại trên toàn khu vực là yếu tố then chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã được Thủ tướng Justin Trudeau "bật đèn xanh". Ông Silva khẳng định, với vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN kể từ năm 2015, Việt Nam sẽ rất quan trọng đối với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada.
Còn theo ông Johnson, có rất nhiều lý do để các doanh nghiệp Canada mong muốn tăng cường quan hệ với các đối tác Việt Nam. Thế mạnh của Việt Nam trong sản xuất hàng điện tử, dệt may và các mặt hàng tiêu dùng khác đã cho phép các công ty Canada đa dạng hóa nguồn cung của mình. Các doanh nghiệp Canada có thể tìm đến Việt Nam - thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - để tiếp cận với khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn.
Giới quan sát nhận định rằng chuyến công du Đông Nam Á lần này của Ngoại trưởng Joly cho thấy Ottawa muốn một cách tiếp cận tích hợp mới đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhằm đa dạng hóa sự tham gia của Canada và làm sâu sắc hơn các quan hệ đối tác ngoại giao, kinh tế, an ninh và phát triển bền vững.
Theo TTXVN/Báo Tin tức