Ninh Thuận - 30 năm một chặng đường đổi mới và phát triển

Khoa học và công nghệ tạo đột phá mới

Qua 30 năm xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Thuận, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn đề cao vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN). Trong nhiều nghị quyết của Đảng bộ tỉnh qua các kỳ đại hội đều xác định KH&CN là nền tảng của công nghiệp hoá, hiện đại hóa, là động lực phát triển kinh tề - xã hội (KT-XH) nhanh và bền vững.

Từ đó, đã dành một tỷ lệ cao trong ngân sách tỉnh cho kinh phí sự nghiệp khoa học; đồng thời, chỉ đạo mỗi ngành, mỗi đơn vị sản xuất nghiên cứu ứng dụng triển khai những công trình khoa học vào thực tiễn sản xuất và đời sống, tạo chuyển biến tích cực.

Sau ngày tái lập tỉnh (1992), UBND tỉnh tăng cường đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước, vốn của các doanh nghiệp và vốn trong dân để nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật vào lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các lĩnh vực khác. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp quốc doanh đã đầu tư đổi mới công nghệ, tạo tiền đề để hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp phục hồi, phát triển. Ngày 18-11-1997, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 08 NQ/TU về thực hiện Nghị quyết TW2 (khóa VIII) về phát triển KH&CN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000. Sau những năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy, hoạt động KH&CN của tỉnh đã đạt được nhiều thành quả bước đầu, tác động tích cực, thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng suất, chất lượng, bảo vệ môi trường trong đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Cán bộ Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố thực hiện phân tách thành phần bảo vệ thực vật. Ảnh: Phan Bình

Cùng với thời gian, ngành KH&CN càng lớn mạnh về mọi mặt. Giai đoạn 2001 - 2005, tỉnh quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng để phát triển lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, vừa xúc tiến quy hoạch, sắp xếp lại các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, bố trí lại lực lượng, phân công nhiệm vụ cụ thể tránh chồng chéo, trùng lắp. Có chính sách thu hút các nhà khoa học về tỉnh; tăng cường cán bộ đại học và trung học chuyên nghiệp xuống cơ sở và các ngành sản xuất. Qua đó, tiềm lực KH&CN đã được đầu tư và phát triển về nhiều mặt. Đội ngũ cán bộ khoa học tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Đầu tư tài chính từ ngân sách nhà nước cho KH&CN tăng dần theo từng năm. Nhận thức về vai trò của khoa học, các cấp ủy Đảng, tổ chức kinh tế và Nhân dân tiếp tục được nâng lên, phong trào áp dụng thành tựu tiến bộ KH&CN trong quản lý, sản xuất và đời sống tiếp tục phát triển. Hoạt động KH&CN ở tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu từng ngành, tạo sự chuyển biến mọi mặt về KT-XH, môi trường, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

Bước sang giai đoạn 2006 - 2015, hoạt động KH&CN để lại dấu ấn đó là lần đầu tiên kể từ khi tái lập tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh trong công tác quản lý nhà nước về KH&CN, đưa công tác quản lý hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN của tỉnh đi vào chính quy, nền nếp. Ngành KH&CN đã từng bước trưởng thành và có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh. Các công trình nghiên cứu đã nâng cao về chất lượng, đi vào nhiều lĩnh vực yêu cầu chuyên môn cao như: Công nghệ sinh học, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi, sinh sản nhân tạo thủy hải sản, công nghệ chế biến; cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ cho công tác lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp trong hoạch định chiến lược định hướng phát triển của địa phương. Khoa học kỹ thuật được các doanh nghiệp ứng dụng thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính trong KH&CN đã được thực hiện mạnh mẽ. Các cơ chế mới được triển khai đã rút ngắn tối đa quy trình thủ tục hành chính trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, lần đầu tiên thực hiện cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN và khoán kinh phí đến sản phẩm cuối cùng. Hoạt động nghiên cứu khoa học đã tập trung có trọng tâm, trọng điểm vào phục vụ các chương trình phát triển KT-XH quan trọng của tỉnh như chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp…

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất dưa lưới tại Ninh Sơn. Ảnh: H.Phương

Giai đoạn 2016 -2020, tỉnh tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện và ban hành các chính sách, văn bản định hướng, chỉ đạo làm nền tảng cho việc thúc đẩy mạnh mẽ chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Đơn cử, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Về cơ bản, hệ thống các văn bản quy định về các cơ chế đặc hàng, tuyển chọn, khoán kinh phí, hỗ trợ doanh nghiệp… đều đã được hoàn thiện và đi vào vận hành ổn định. Trong giai đoạn này, ngành KH&CN đã đa dạng hóa các hoạt động, chương trình, thông qua việc gắn kết chặt chẽ với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó đã có những đóng góp thiết thực trong việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trong phát triển các sản phẩm đặc thù của tỉnh.

Nhìn lại chặng đường 30 năm phát triển, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nhiều chuyển biến và đạt được một số kết quả quan trọng, số lượng đề tài, dự án khoa học liên tục tăng, giải quyết có kết quả một số yêu cầu thực tiễn của sản xuất ở những ngành, lĩnh vực có lợi thế. Năm 1992 chỉ có 6 đề tài, sau 30 năm đã có 378 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, trong đó 18 đề tài, dự án cấp trung ương và 360 đề tài, dự án cấp tỉnh. Đa số các đề tài, dự án tập trung vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, phục vụ cho phát triển nông thôn, miền núi; đồng thời, chuyển giao, nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp sử dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác hợp lý trong điều kiện khô hạn, phát triển sản phẩm đặc thù gắn với chế biến, chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động KH&CN, ngày 10-1-2022, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp phát triển KH&CN trong giai đoạn này là đẩy mạnh ứng dụng, làm chủ và cải tiến công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sạch, thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; phát triển doanh nghiệp trở thành trung tâm của đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.