Ninh Thuận - 30 năm một chặng đường đổi mới và phát triển

Những thành tựu qua 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển

(Tiếp theo kỳ trước)

3. Giai đoạn 2001 - 2005: Nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Đảng bộ và Nhân dân Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bước đầu khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh đạt hiệu quả.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra nhiệm vụ, mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001 - 2005): “Đưa nền kinh tế tỉnh nhà phát triển theo hướng phát huy lợi thế, gắn với thị trường và đi vào chất lượng, tạo nhịp độ tăng trưởng khá và bền vững, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ, đẩy nhanh tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao sức cạnh tranh. Tăng cường chất lượng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng thêm năng lực sản xuất mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo tiền đề cho bước phát triển tiếp theo. Giảm nhanh hộ nghèo, ổn định cải thiện mức sống nhân dân. Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị - xã hội, tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh”.

Nông dân huyện Ninh Phước thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: V.M

Năm năm đầu của thế kỷ XXI, tuy điều kiện thời tiết khắc nghiệt, liên tiếp bị lũ lụt, hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống Nhân dân, nhưng với nỗ lực và quyết tâm cao, Đảng bộ và Nhân dân Ninh Thuận thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu do Đại hội X Đảng bộ tỉnh đề ra. Nền kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, GRDP bình quân mỗi năm tăng 8,2%; cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp trong GRDP từ 52,1% (năm 2000) giảm xuống còn 40,9% (năm 2005); công nghiệp, dịch vụ từ 47,9% (năm 2000) tăng lên 59,1% (năm 2005); thu nhập bình quân đầu người tuy còn thấp nhưng cũng tăng 1,6 lần, từ 2,94 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng (năm 2005). Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được quan tâm đầu tư, xây dựng. Tiềm năng, lợi thế các vùng kinh tế bước đầu được phát huy.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế -xã hội phát triển. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từng bước đi vào chiều sâu; chính quyền các cấp được củng cố; phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới; công tác vận động quần chúng tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện tốt hơn; hiệu lực quản lý và điều hành nhà nước có chuyển biến tích cực.

4. Giai đoạn 2006 - 2010: Phát huy truyền thống đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp, vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh đã đề ra: “Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế cả về quy mô và chất lượng. Xác định kinh tế biển là mũi nhọn; phát triển công nghiệp chế biến, du lịch là động lực cho sự phát triển; chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp. Đến năm 2010, giá trị tổng sản phẩm nội tỉnh tăng 1,8 - 2 lần; GRDP bình quân đầu người đạt 2,1 lần so với năm 2005, đưa tỉnh ta bước vào giai đoạn phát triển nhanh và bền vững”.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước bình quân đạt 8,2%/năm (GRDP năm 2010 đạt 10,4%); quy mô nền kinh tế tăng gần 4,4%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 50% (năm 2010 đạt 50 triệu USD); tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 34%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 11,7 triệu đồng. Chủ động xây dựng các dự án, thu hút các nguồn vốn ODA, ADB để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị. Bộ mặt đô thị, điểm dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới khang trang, sạch đẹp. Tích cực triển khai chủ trương hợp tác phát triển với các tỉnh lân cận và thành phố Hồ Chí Minh, các công ty, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước. Công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư được quan tâm, môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực.

Trường THCS-THPT Đặng Chí Thanh, xã Cà Ná (Thuận Nam) được xây mới, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em địa phương. Ảnh: V.Nỷ

Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo, y tế tiếp tục phát triển đảm bảo cân đối về quy mô, loại hình và nâng cao chất lượng. Gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Đặc biệt, năm 2007 Đảng bộ và Nhân dân Ninh Thuận vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng; thị xã Phan Rang - Tháp Chàm được Chính phủ ra Quyết định công nhận lên đô thị loại 3, là thành phố trực thuộc tỉnh.

Quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường, xây dựng lực lượng chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được nâng lên, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được phát huy. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng; tạo được sự thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong Nhân dân trước sự lãnh đạo của Đảng về đẩy mạnh công cuộc đổi mới của đất nước, của tỉnh. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt kết quả bước đầu, xuất hiện nhiều điển hình trong phong trào “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác, góp phần khắc phục, từng bước đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một số cán bộ, đảng viên.

(MỜI XEM TIẾP KỲ SAU)